Quốc tế
Vì sao tình hình kinh tế Trung Quốc gây lo ngại cho các thị trường toàn cầu
Tư Thuần - 11/07/2023 17:22
Từ việc được kỳ vọng là động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc trở thành nỗi lo bậc nhất hiện tại.

Dưới đây là mọi điều cần biết về bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Trung Quốc hiện nay và tác động của nó tới thị trường toàn cầu.

Tình hình kinh tế Trung Quốc ra sao?

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 vào khoảng 5%. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chỉ khoảng 2,8% năm nay, con số 5% có vẻ không tệ. Tuy nhiên, thực tế, tăng trưởng 5% là so với mức nền thấp năm 2022, khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero Covid, các hoạt động sản xuất - kinh doanh gián đoạn. Nếu loại trừ yếu tố này, theo các chuyên gia kinh tế, mục tiêu này chỉ tương đương tăng trưởng gần 3% năm 2023 - chưa bằng một nửa mức trung bình trước đại dịch.

Thêm vào đó, trong tháng 6, tỷ lệ lạm phát tại Trung Quốc ở mức thấp, châm ngòi cho lo lắng về rủi ro giảm phát - sự suy giảm liên tục và đáng kể của giá hàng hoá và dịch vụ trong một nền kinh tế. Giảm phát dài hạn có thể chuyển thành suy thoái, rất nguy hiểm đối với nền kinh tế.

Dự báo tăng trưởng giai đoạn 2023 - 2024 của IMF với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Tại sao cả thế giới phải lo ngại?

Đa phần lượng việc làm và hoạt động sản xuất đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới, chiếm 22,6% giá trị tăng thêm trên toàn cầu, con số cao gấp đôi so với Mỹ.

Trung Quốc ngày càng có sức ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới thông qua các giao dịch thương mại. Chẳng hạn, các quốc gia xuất khẩu nguyên vật liệu như Brazil và Australia đang chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu xây dựng và thị trường bất động sản tại Trung Quốc. Giá của nhiều loại nguyên vật liệu, bao gồm thép, quặng sắt trên thế giới theo hướng giảm trong năm nay bởi nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới không hồi phục mạnh như dự báo.

Đáng chú ý, các nhà xuất khẩu hàng hoá công nghệ cao cũng chịu tổn thất lớn. Ví dụ, lượng hàng xuất khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc giảm tốc độ 2 chữ số trong mỗi tháng nửa đầu năm 2023. 

Sau nhiều năm hạn chế vì đại dịch, các du khách Trung Quốc vẫn chưa quay trở lại bởi thu nhập và mức độ tự tin với công việc duy trì ở mức yếu, khiến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào hoạt động du lịch cũng chịu thiệt hại.

Trong khi nước Mỹ đối diện nguy cơ khủng hoảng kinh tế từ môi trường lãi suất cao, triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng không lấy làm tích cực. 2 đầu tàu kinh tế toàn cầu chật vật sẽ khiến cả thế giới khó khăn, gây tổn thương tới tất cả mọi người.

Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2023 - 2028.

Vậy vấn đề của kinh tế Trung Quốc nằm ở đâu?

Nền kinh tế quy mô 18.000 tỷ USD của Trung Quốc đang gặp trục trặc ở nhiều lĩnh vực. Số liệu mới công bố cuối tháng 6 cho thấy, hoạt động sản xuất lại suy giảm. Xuất khẩu - một trong những động lực lớn của Trung Quốc cũng đình trệ. Kể từ khi đạt đỉnh ở mức 340 tỷ USD vào tháng 12/2021 tới nay, trong tháng 5/2023, giá trị xuất khẩu giảm xuống còn 284 tỷ USD khi nhu cầu từ Mỹ và châu Âu đi xuống.

Tình hình còn trở nên khó khăn hơn khi Mỹ đang cố gắng “cắt” Trung quốc khỏi thị trường chất bán dẫn toàn cầu, cũng như những lĩnh vực công nghệ cao khác - vốn được xem là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế Trung Quốc.

Tổng lượng hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc giảm 6,7% trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.

Khối nợ khổng lồ của các công ty phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (LGFV) tạo thêm rủi ro khác với nền kinh tế, khi quy mô lên tới 9.000 tỷ USD.

Trong kịch bản thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, kinh tế Mỹ suy thoái tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu, mô hình phân tích của Bloomberg đánh giá tăng trưởng kinh tế Trung quốc có thể suy giảm 1,2%.

Không phải thị trường bất động sản Trung Quốc đã được “giải cứu” rồi sao?

Câu chuyện về thị trường bất động sản Trung Quốc xuất phát từ việc chính phủ nước này cố gắng kiếm soát vấn đề vay nợ lớn của các nhà phát triển bất động sản năm 2020, nhằm giảm thiểu rủi ro tới hệ thống tài chính. Động thái này khiến giá nhà đi xuống và nhiều công ty với tình hình tài chính yếu kém rơi vào cảnh vỡ nợ.

Nhiều nhà phát triển bất động sản ngừng hoạt động xây dựng, trong khi các căn hộ đều đã được bán ra theo hình thức bán nhà hình thành trong tương lai. Điều này khiến người mua nhà giận dữ, ngừng trả các khoản tiền đóng theo tiến độ. Mớ bòng bong này khiến nhiều người dân Trung Quốc thay đổi quan niệm đối với bất động sản, vốn luôn được coi là tài sản an toàn và là nơi cất giữ tài sản.

Để giải cứu thị trường, các nhà quản lý công bố kế hoạch hỗ trợ vào cuối năm 2022, tuy nhiên, không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, người mua vẫn chưa quay trở lại thị trường. Tính tới giữa năm 2023, giá nhà mới và nhà trao đổi thứ cấp vẫn giảm trong hơn 1 năm qua, chưa có tín hiệu nào cho thấy việc giá nhà đi xuống hấp dẫn người mua.

Một minh chứng rõ ràng là tại các nhà băng, các khoản vay dài hạn của cá nhân giảm 13% trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, thể hiện có ít người vay tiền để mua bất động sản.

Vào đầu tháng 7/2023, chính quyền Trung Quốc cho biết sẽ gia hạn các chính sách hỗ trợ tài chính với các doanh nghiệp bất động sản, bao gồm việc cho phép lùi hạn thanh toán các khoản nợ thêm 1 năm.

Doanh số bán nhà chưa có dấu hiệu hồi phục

Trung Quốc có thị trường tỷ dân, vậy động lực từ thị trường nội địa ra sao?

Vào đầu năm 2023, các thành viên thị trường đã lạc quan kỳ vọng rằng, Trung Quốc sẽ chứng kiến nền kinh tế hồi phục nhanh chóng, nhất là với thị trường tiêu dùng khi người dân mua sắm “xả hận” sau thời gian dài giãn cách. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm, tình hình ngược lại.

Mối lo ngại khi kinh tế ảm đảm đồng nghĩa với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập giảm sút đã tạo ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý tiêu dùng. Trong tháng 6, du lịch nổi địa không khởi sắc ngay cả khi có ngày lễ lớn và các lễ hội diễn ra. Doanh số bán xe hơi cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Một yếu tố kéo lùi tăng trưởng nữa là tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi trẻ lên tới 20,8% - cao gấp 4 lần tỷ lệ thất nghiệp trung bình tại khu vực đô thị. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc chính phủ Trung Quốc đang kiểm soát ngặt nghèo hơn với nhóm công ty công nghệ những năm gần đây. Trong khi đó, công nghệ là lĩnh vực thu hút bậc nhất với người trẻ và giàu tham vọng. 

Vậy Chính phủ Trung Quốc đang làm gì?

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất trong tháng 6 - biện pháp thường sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng. Động thái bất ngờ này khiến thị trường càng kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế quy mô lớn. Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng thực hiện nhiều chính sách như tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoãn thuế, giãn thuế với cả doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên, tính tới đầu tháng 7, các chính sách chưa mang tới tín hiệu khả quan.

Các ngân hàng lớn nhất có vốn nhà nước vừa tiếp tục hỗ trợ thêm các khoản vay với nhóm LGFV thời hạn siêu dài và lãi suất ưu đãi nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ.

Tin liên quan
Tin khác