Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) vừa tuyên bố cắt giảm 25 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với hầu hết các ngân hàng. Tuyên bố đưa ra hôm 25/11, sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 tới và được kỳ vọng sẽ bơm 500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 70 tỷ USD) thanh khoản vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đây là lần thứ hai Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Cơ quan này lý giải việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm mục đích "giữ thanh khoản dồi dào hợp lý" và "tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế", cũng như giúp các ngân hàng hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tháng 4/2022, Trung Quốc lần đầu tiên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm. Cơ quan này cũng đã cắt giảm lãi suất cơ bản hai lần trong năm nay, với động thái gần đây nhất là vào tháng 8.
Động thái của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc được đưa ra sau các hành động quan trọng gần đây của chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm gói giải cứu ngành bất động sản và điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch để giảm thiệt hại cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức. Sự phục hồi của thị trường bất động sản có thể sẽ chậm, trong khi số ca nhiễm Covid-19 đã tăng lên mức cao kỷ lục, khiến các thành phố lớn như Bắc Kinh phải hạn chế việc đi lại của người dân.
Các nhà kinh tế đánh giá rằng quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ chậm chạp và không dễ dàng. Tập đoàn tài chính Nomura tuần này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc xuống còn 4%.
Ông David Qu, chuyên gia kinh tế của Bloomberg cho rằng: "Với sự bùng phát Covid-19 đang gia tăng - dẫn đến những biện pháp hạn chế mới đối với các hoạt động - cùng với tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, sẽ là những điều không dễ dàng cho nền kinh tế Trung Quốc. Với triển vọng đó, chúng tôi dự đoán PBOC sẽ duy trì quan điểm nới lỏng dần dần chính sách vào năm 2023".
Chuyên gia Bloomberg dự đoán: "Năm tới, chúng tôi kỳ vọng PBOC sẽ cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản tỷ lệ RRR. Cơ quan này cũng có thể cắt giảm 20 điểm cơ bản lãi suất cơ bản cho vay trung hạn. Chúng tôi cho rằng họ sẽ thực hiện điều đó thành hai đợt, trong đó lần cắt giảm 10 điểm cơ bản đầu tiên sẽ thực hiện vào quý I/2023".
Việc Trung Quốc nới lỏng chính sách hoàn toàn trái ngược với động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác khi mà các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ này đã liên tục tăng lãi suất trong năm nay để ứng phó với lạm phát. Các quan chức Fed mới đây phát tín hiệu "hạ nhiệt" lãi suất với tốc độ tăng lãi suất chậm lại trong thời gian tới.
Điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một công cụ giúp giải phóng thanh khoản dài hạn giá rẻ cho các ngân hàng, cho phép họ gia hạn thêm các khoản vay cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bruce Pang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Tập đoàn dịch vụ bất động sản JLL, đánh giá rằng, động thái của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ giúp giảm phần nào chi phí cho các bên cho vay thương mại và khuyến khích gia hạn tín dụng, đồng thời giảm chi phí vay của các công ty và người tiêu dùng.
Theo Ming Ming, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty chứng khoán Citic Securities, thanh khoản bổ sung cho các ngân hàng sẽ giúp họ cắt giảm chi phí trách nhiệm pháp lý, thúc đẩy họ cắt giảm lãi suất cơ bản cho các khoản vay 5 năm, một chỉ số tham chiếu của lãi suất thế chấp.
Mặc dù mong đợi nhiều động thái kích thích kinh tế từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nhưng ở thời điểm này các nhà kinh tế vẫn cảnh báo các động thái kích thích mạnh tay có thể gia tăng rủi ro lạm phát.