Một tàu chở dầu thô cập cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Kinh tế Trung Quốc trong quý II/2023 tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn kết quả tăng 4,5% trong quý I, nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo tăng trưởng 7,3%. Nguyên nhân được chỉ ra là do nhu cầu trong và ngoài nước cùng suy yếu và động lực tăng trưởng sau Covid-19 đã chững lại.
Do đó, nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc được dự đoán sẽ sụt giảm trong những tháng còn lại của năm 2023, trong bối cảnh hoạt động xây dựng và xuất khẩu giảm sút.
Công ty nghiên cứu năng lượng Na Uy Rystad Energy đã hạ dự báo nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc từ tháng 7 đến tháng 12/2023 xuống còn 3,81 triệu thùng/ngày, thấp hơn ước tính trước đó là 3,9 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính mức tiêu thụ dầu đốt (gasoil - sản phẩm chưng cất trung gian được sử dụng cho nhiên liệu diesel) của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay sẽ giảm 150.000 thùng/ngày so với quý II.
Bà Lin Ye, nhà phân tích tại công ty Rystad ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng: "Nhu cầu dầu diesel vẫn đang tăng, nhưng tăng với tốc độ thấp hơn dự đoán".
Theo dữ liệu chính thức, dầu diesel chiếm khối lượng nhiên liệu lớn nhất được sản xuất bởi các nhà máy lọc dầu Trung Quốc, với 4,3 triệu thùng/ngày, tương đương 28,2% tổng sản lượng nhiên liệu sản xuất trong tháng 7.
Sau các dữ liệu kinh tế gây thất vọng, giới phân tích đã hạ thấp dự báo nhu cầu dầu diesel cả năm 2023 của Trung Quốc. Cụ thể, kể từ tháng 3/2023, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cắt giảm 127.000 thùng/ngày đối với dự báo nhu cầu diesel cả năm, còn Rystad đã ước tính nhu cầu diesel sẽ giảm 94.000 thùng/ngày.
Sự sụt giảm nhu cầu diesel của Trung Quốc được cho là sẽ kéo dài sang năm 2024. Theo dự báo hồi tháng 6 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu năm 2024 sẽ chỉ nhích thêm 50.000 thùng/ngày, cao hơn 1,4% so với năm 2023.
Trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc vẫn hoạt động với công suất cao, nguồn cung dư thừa đã được bổ sung vào kho dự trữ. Dẫn đến, tồn kho dầu diesel đã tăng 9% so với tháng 1 lên 15,96 triệu tấn trong tháng 6, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Longzhong có trụ sở tại Trung Quốc. Biến động này tương tự như quý III năm ngoái khi Trung Quốc thực hiện các đợt phong tỏa do dịch Covid-19.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định: "Hiệu suất của nền kinh tế không mấy lạc quan và các báo cáo về hàng tồn kho cho thấy phần lớn sản lượng dầu diesel và xăng của nhà máy lọc dầu tăng đột biến là nhờ dự trữ trong nước".
Đầu năm nay, nhu cầu dầu diesel của Trung Quốc tăng lên bởi hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ hồi phục trong quý I. Tuy nhiên, đà tăng đó đến nay đã hụt.
Những thách thức mà các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc phải đối mặt phản ánh các vấn đề mang tính hệ thống sâu sắc hơn.
Vốn tiêu thụ một lượng lớn dầu diesel cho thiết bị và máy móc xây dựng, nhưng ngành bất động sản Trung Quốc hiện lại trở thành yếu tố hạn chế chính đối với tăng trưởng nhu cầu, bởi giá trị bất động sản xây mới trong tháng 6 đã lao dốc 71,7% so với mức trung bình hàng tháng trong năm 2019.
Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,5% trong tháng 7, đánh dấu mức giảm nhanh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Điều này đã gây ra tác động dây chuyền đến lĩnh vực sản xuất chế tạo có sử dụng nhiều dầu diesel.
Xia Shiqing, chuyên gia tư vấn dầu mỏ và hóa chất tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, cho biết: "Nhu cầu bên ngoài yếu do suy thoái kinh tế toàn cầu (và) sự phục hồi chậm hơn dự kiến trong sản xuất chế tạo được cho là tiếp tục gây áp lực lên nhu cầu dầu diesel".
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã tận dụng tỷ suất lợi nhuận cao đối với dầu diesel ở thị trường châu Á bằng cách tăng gấp ba lần lượng xuất khẩu diesel ra nước ngoài trong nửa đầu năm 2023, so với năm 2022. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu đó sắp phải tuân theo hạn ngạch mới của Bắc Kinh.
Xuất khẩu dầu diesel trong tháng 8 của Trung Quốc ước đạt từ 650.000 đến 800.000 tấn, thấp hơn so với ước tính 1 triệu tấn của tháng 7, theo dữ liệu tổng hợp của công ty tư vấn Longzhong và các nhà phân tích thương mại tại Trung Quốc.
Tính đến năm 2023, Trung Quốc đã áp dụng hạn ngạch xuất khẩu 27,99 triệu tấn dầu mỏ. Các nhà máy lọc dầu tại nước này đã sử dụng hết 98% hạn ngạch xuất khẩu, trong đó 33% hạn ngạch dùng cho xuất khẩu diesel, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu xuất khẩu chính thức của chính phủ Trung Quốc và ước tính của các đơn vị tư vấn và phân tích về các lô hàng xuất khẩu trong tháng 7 và tháng 8.
Trung Quốc dự kiến sẽ ấn định hạn ngạch xuất khẩu mới trong thời gian còn lại của năm 2023. Bà Mia Geng, trưởng bộ phận phân tích thị trường dầu mỏ Trung Quốc tại công ty tư vấn FGE dự đoán hạn ngạch xuất khẩu mới của Trung Quốc có thể lên tới 8 triệu tấn vào tháng 9.
"Có thể chính phủ Trung Quốc sẽ cấp hạn ngạch lớn hơn mức trên để tạo điều kiện cho các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh xuất khẩu trong quý IV", bà Geng lưu ý.