Quốc tế
Trung Quốc với 24 giải pháp mới trong thu hút FDI
Đông Phong - 02/04/2024 09:12
Động thái của các bộ, ngành, đến lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho thấy, nước này đang hành động quyết liệt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh dòng vốn này xuống thấp kỷ lục.
Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành kế hoạch hành động mới, gồm 24 điểm (còn gọi là biện pháp) nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho luồng dữ liệu và đi lại kinh doanh.

FDI lao dốc khi các đối tác lớn dè chừng

Năm 2023, FDI vào Trung Quốc tăng thấp nhất kể từ đầu những năm 1990. Điều này gia tăng thách thức cho Bắc Kinh trong việc tìm kiếm vốn ngoại để thúc đẩy nền kinh tế.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc (SAFE), năm 2023, vốn FDI đăng ký vào Trung Quốc đạt 33 tỷ USD, giảm hơn 82% so với năm 2022 và đây là mức thấp nhất kể từ năm 1993. Kết quả thu hút FDI năm 2023 phản ánh tác động của lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt và khả năng phục hồi yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Lần đầu tiên kể từ năm 1998, vốn FDI vào Trung Quốc đã giảm vào quý III/2023, trước khi phục hồi nhẹ để đạt mức tăng trưởng trong quý IV.

Trong khi đó, Bloomberg dẫn dữ liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết, lợi nhuận của các công ty công nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc năm 2023 đã giảm 6,7% so với năm trước.

Giới phân tích cho rằng, căng thẳng địa chính trị và lãi suất cao hơn ở nhiều thị trường khác là những nguyên nhân chính khiến các công ty nước ngoài rút vốn khỏi thị trường tỷ dân này. Có nhiều động cơ khuyến khích các công ty đa quốc gia giữ tiền ở nước ngoài hơn là rót vào thị trường Trung Quốc, bởi vì các nền kinh tế phát triển đã tăng lãi suất, trong khi Bắc Kinh cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế.

Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành kế hoạch hành động mới, gồm 24 điểm (còn gọi là biện pháp) nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho luồng dữ liệu và đi lại kinh doanh.

Một cuộc khảo sát gần đây với các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc cho thấy, hầu hết các công ty này đã cắt giảm đầu tư hoặc giữ nguyên mức đầu tư trong năm 2023 và phần lớn họ không có triển vọng tích cực cho năm nay. Năm ngoái, các công ty Nhật Bản đã bổ sung lượng tiền ròng mới thấp nhất trong một thập kỷ, với chỉ 2,2% vốn đầu tư mới ra nước ngoài của Nhật Bản đổ vào thị trường Trung Quốc. Con số này ít hơn số tiền đầu tư được rót vào Việt Nam hoặc Ấn Độ và chỉ bằng khoảng 1/4 khoản đầu tư vào Australia, theo dữ liệu của chính phủ Nhật Bản công bố tháng trước.

Các công ty Đài Loan cũng trở nên miễn cưỡng hơn trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở thị trường Trung Quốc, khi đầu tư mới vào Trung Quốc năm 2023 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001. Lâu nay, các công ty Đài Loan thường nằm trong top các nhà đầu tư lớn nhất ở thị trường Trung Quốc, nhưng nay họ đã cắt giảm đầu tư mới tại thị trường này kể từ mức đỉnh điểm năm 2010.

Tương tự, các công ty Hàn Quốc cũng cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc, với lượng vốn FDI mới giảm 91% trong 3 quý đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002.

Điểm sáng le lói trong bức tranh thu hút FDI của Trung Quốc đến từ Đức, khi đầu tư của các công ty Đức đạt kỷ lục gần 12 tỷ eur (tương đương 13 tỷ USD) vào năm 2023, theo báo cáo của Viện Kinh tế Đức (IW) dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank). Báo cáo cho biết, đầu tư vào Trung Quốc trong tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Đức đã tăng lên 10,3% vào năm 2023, là mức cao nhất kể từ năm 2014.

Kế hoạch mới và những kết quả bước đầu

Tháng 8/2023, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành kế hoạch hành động mới, gồm 24 điểm (hay còn gọi là biện pháp) nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho luồng dữ liệu và đi lại kinh doanh. Theo Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), kế hoạch trên tập trung vào mở rộng khả năng tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng dữ liệu xuyên biên giới và thúc đẩy hoạt động kinh doanh quốc tế.

Sau 6 tháng thực hiện kế hoạch, những kết quả ban đầu đã được công bố, nổi bật là các cuộc thảo luận bàn tròn hiệu quả với doanh nghiệp FDI; gia hạn miễn giảm thuế cho nhân viên nước ngoài, mua thiết bị nghiên cứu và phát triển (R&D) trong nước; cải thiện thủ tục đi lại theo hướng thuận tiện cho các nhà quản lý doanh nghiệp nước ngoài.

Động thái đáng chú ý tuần qua là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ một nhóm giám đốc điều hành (CEO) doanh nghiệp Mỹ tại Bắc Kinh, trong bối cảnh nước này đang tìm cách khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Tại cuộc gặp kéo dài hơn một tiếng rưỡi, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, ông không thấy cần thiết phải tách rời kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời ông mong muốn các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Trung Quốc.

Giới chức Trung Quốc cũng tích cực tổ chức các cuộc thảo luận bàn tròn thường xuyên kể từ tháng 7/2023, nhằm mục đích tăng cường trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp FDI, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động của họ tại nước này. Tính đến cuối tháng 1/2024, các cuộc họp bàn tròn đã thu hút sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp FDI và phòng thương mại nước ngoài. Các cuộc thảo luận này đã giải quyết thành công hơn 300 vấn đề riêng lẻ, theo ghi nhận của chuyên trang China Briefing của Công ty Tư vấn và xúc tiến đầu tư Dezan Shira & Associates.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Wentao đã cung cấp thông tin chính thức về tiến độ ban đầu thực hiện 24 biện pháp thu hút FDI. Theo đó, 60% biện pháp chính sách đã được thực hiện thành công hoặc đạt được tiến triển ổn định. Cụ thể, 10 trong số 59 chính sách được hoàn thiện, 28 chính sách đạt được tiến bộ theo từng giai đoạn và 21 chính sách đang tiếp tục hoàn thiện.

Phía Bộ Tài chính và Cơ quan Quản lý thuế nhà nước của Trung Quốc đã gia hạn thời gian thực hiện 2 chính sách quan trọng, gồm chính sách miễn thuế đối với trợ cấp cá nhân người nước ngoài và chính sách hoàn thuế đối với việc mua sắm thiết bị nội địa của các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D) có vốn nước ngoài. Hiện chính sách này có hiệu lực đến cuối tháng 12/2027.

Động thái của hai cơ quan trên có lợi cho người nước ngoài làm việc tại Trung Quốc, cũng như các công ty đang cố gắng giữ chân nhân tài nước ngoài, bởi nó áp dụng các khoản được miễn thuế như thuê nhà, chi phí giáo dục cho trẻ em và chi phí đào tạo ngôn ngữ, đảm bảo liên tục tiết kiệm thuế cho lao động nước ngoài.

Chưa hết, ngày 1/12/2023, Cục Quản lý nhập cư Quốc gia Trung Quốc (NIA) đã ra mắt phiên bản nâng cấp mới đối với thẻ căn cước (ID card) thường trú dành cho người nước ngoài. Ngoài các tính năng nâng cấp, thẻ ID mới còn cung cấp nhiều tiện ích đa dạng vì nó có thể được sử dụng để quản lý các vấn đề riêng tư trực tuyến, bao gồm du lịch, tiêu dùng hàng ngày và dịch vụ tài chính.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ cho phép kéo dài thời hạn hiệu lực của thị thực nhập cảnh đến 2 năm đối với các nhà quản lý doanh nghiệp nước ngoài, nhân viên kỹ thuật và vợ/chồng và con chưa thành niên đi cùng.

Bình luận trên tờ Global Times, ông Wang Peng, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học xã hội Bắc Kinh (BASS) cho rằng, kế hoạch được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường Trung Quốc, thông qua việc mở rộng khả năng tiếp cận và giảm chi phí hoạt động của họ.

Đáng chú ý, trong số những biện pháp lần này, Trung Quốc sẽ hỗ trợ các luồng lưu chuyển dữ liệu giữa các công ty nước ngoài ở Trung Quốc và trụ sở chính của họ, đồng thời thúc đẩy và đảm bảo các luồng dữ liệu xuyên biên giới có trật tự liên quan đến nghiên cứu và phát triển, sản xuất và bán hàng.

Theo kế hoạch, Trung Quốc khuyến khích các công ty nước ngoài mở rộng đầu tư vào các ngành công nghệ cao và hỗ trợ chính sách nhất định đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án chủ chốt về thiết bị bán dẫn, y sinh và thiết bị cao cấp. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp FDI tham gia bình đẳng vào các chương trình R&D trọng điểm quốc gia, cũng như các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia khác.

Trung Quốc cũng sẽ mở rộng sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm, mở rộng phạm vi của các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu trong nước và tiếp tục thực hiện chương trình thí điểm cho các thành viên góp vốn (limited partners) nước ngoài đủ điều kiện đầu tư vào Trung Quốc.

Những nỗ lực trên đang đem lại tín hiệu tích cực về thu hút đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Bằng chứng là trong tháng 1/2024, có 4.588 doanh nghiệp FDI thành lập mới tại Trung Quốc, tăng 74,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin liên quan
Tin khác