Quốc tế
Trung Quốc "xoay trục" chính sách Covid-19, triển vọng kinh tế tích cực
Đông Phong - 02/01/2023 08:04
Triển vọng phục hồi của Trung Quốc được dự báo tích cực khi quốc gia này tiến gần đến việc mở cửa hoàn toàn sau 3 năm áp dụng chính sách chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt.
Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể là mối lo ngại lớn sẽ định hình bối cảnh kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023. Ảnh: AFP

Tăng trưởng năm 2023 ước đạt 5%

Bắc Kinh mới đây bất ngờ "xoay trục" chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt Zero-Covid, một chiến lược đã khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian dài. Động thái mới được kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức sống vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2023.

Việc phong tỏa và hạn chế biên giới do đại dịch Covid-19 đã khiến Trung Quốc không khớp nhịp với phần còn lại của thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và gây tổn hại đến dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu.

Trong lúc thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm tình trạng thiếu năng lượng, tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao, việc Trung Quốc mở cửa trở lại được kỳ vọng là sự thúc đẩy kịp thời và cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu.

Đài CNN dẫn quan điểm của các chuyên gia kinh tế cho rằng, quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc có thể diễn ra thất thường và khó khăn khi nền kinh tế này sẽ trải qua một chặng đường gập ghềnh trong vài tháng đầu năm 2023.

Họ nói thêm rằng, sự suy thoái gần đây của ngành bất động sản Trung Quốc và một "cuộc suy thoái toàn cầu tiềm ẩn" cũng có thể gây ra nhiều vấn đề đau đầu hơn trong năm 2023.

"Trong ngắn hạn, tôi tin rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ gặp hỗn loạn hơn là tiến triển vì một lý do đơn giản: Sự chuẩn bị ứng phó với Covid-19 của Trung Quốc là kém", ông Bo Zhuang, nhà phân tích cấp cao tại Loomis, Sayles & Company (Mỹ), nhận xét.

Trong gần 3 năm, Trung Quốc kiên định với cách tiếp cận không khoan nhượng đối với dịch Covid-19, mặc dù chính sách này đã gây ra thiệt hại kinh tế chưa từng có. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại rõ rệt, lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng lên mức kỷ lục.

Trong bối cảnh bất ổn cộng đồng ngày càng gia tăng và áp lực tài chính, tháng 12/2022 chính quyền Trung Quốc đã đột ngột thay đổi hướng đi để ngăn chặn dịch Covid-19 hiệu quả.

Mặc dù việc nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch là biện pháp cứu trợ được mong đợi từ lâu, nhưng việc đột ngột "xoay trục" chính sách chống dịch của Trung Quốc cũng khiến giới phân tích không khỏi bất ngờ.

"Trong giai đoạn đầu, tôi tin rằng việc mở cửa trở lại có thể tạo ra một làn sóng các ca nhiễm Covid-19 có thể gia tăng áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, làm giảm mức tiêu thụ và sản xuất trong quá trình này", ông Zhuang nhận định.

Hiện tại, sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 khiến nhiều người dân phải ở trong nhà, còn các cửa hàng và nhà hàng vắng khách. Các nhà máy và công ty cũng buộc phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất vì số lượng công nhân nhiễm bệnh tăng lên.

Các nhà phân tích tại Capital Economics cho rằng: "Sống chung với Covid-19 sẽ khó khăn hơn nhiều người nghĩ". Họ dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy giảm 0,8% trong quý I/2023 trước khi phục hồi trong quý II.

Các chuyên gia khác cũng kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi sau quý I. Trong một báo cáo công bố gần đây, các nhà kinh tế học của HSBC dự đoán nền kinh tế Trung Quốc suy giảm 0,5% trong quý I, nhưng mức tăng trưởng chung của năm 2023 ước đạt 5%.

Thách thức từ thị trường bất động sản

Năm 2023, giới phân tích sẽ tiếp tục các biện pháp chính sách mà giới chức Trung Quốc áp dụng nhằm cứu trợ ngành bất động sản đang suy yếu của nước này - một lĩnh vực đóng góp gần 30% GDP.

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc xuất hiện từ cuối năm 2021 khi một số nhà phát triển bất động lớn, trong đó có Evergrande, rơi vào tình trạng mất khả năng trả nợ.

Khủng hoảng bất động sản khiến các dự án nhà ở dang dở ở Trung Quốc phải trì hoãn hoặc tạm dừng thi công. Tình trạng này vấp phải sự chỉ trích của những người mua nhà và họ đã từ chối trả tiền thế chấp cho những căn nhà chưa hoàn thành.

Dù Bắc Kinh đã thực hiện một loạt nỗ lực để giải cứu ngành bất động sản, bao gồm cả việc công bố kế hoạch 16 điểm vào tháng 11/2022 để xoa dịu khủng hoảng tín dụng, nhưng số liệu thống kê cho thấy "bức tranh" bất động sản vẫn ảm đạm. Cụ thể, doanh số bán bất động sản đã giảm hơn 26% trong 11 tháng đầu năm 2022, còn đầu tư vào lĩnh vực này sụt giảm 9,8%.

Theo đài CNN, tại một cuộc họp chính sách quan trọng vào đầu tháng 12/2022, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã tuyên bố sẽ tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2023, đồng thời họ sẽ đưa ra các biện pháp mới nhằm cải thiện tình hình tài chính của ngành bất động sản và củng cố niềm tin của thị trường.

Tuy nhiên, "các biện pháp được công bố cho đến nay là không đủ để thúc đẩy sự thay đổi, nhưng các nhà hoạch định chính sách đã phát tín hiệu rằng sẽ có nhiều hỗ trợ hơn nữa", các nhà phân tích của Capital Economics nhận xét.

"Điều này sẽ trấn an người mua nhà, đủ để nâng doanh số bán hàng có lẽ trước giữa năm 2023", Capital Economics đánh giá.

Nặng nỗi lo suy thoái toàn cầu

Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra là một mối lo ngại lớn khác sẽ định hình bối cảnh kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023.

Thương mại đã hỗ trợ phần lớn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vào đầu năm 2022, khi xuất khẩu được thúc đẩy nhờ giá hàng hóa tăng và đồng tiền của nước này suy yếu.

Nhưng vài tháng trở lại đây, thương mại - lĩnh vực chiếm khoảng 1/5 GDP của Trung Quốc và cung cấp 180 triệu việc làm - đã bắt đầu xuất hiện những rạn nứt do suy thoái kinh tế toàn cầu.

Các chuyến hàng đi nước ngoài của Trung Quốc trong tháng 11/2022 đã giảm 8,7% so với cùng kỳ trước đó, tệ hơn nhiều so với mức giảm 0,3% của tháng 10. Kết quả này đánh dấu hiệu suất vận tải tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2020 - thời điểm nền kinh tế Trung Quốc gần như rơi vào bế tắc khi dịch Covid-19 bùng phát đợt đầu tiên.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế khi các nhà hoạch định chính sách liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát tăng kỷ lục.

Các nhà phân tích tại Capital Economics cho rằng: "Xuất khẩu [của Trung Quốc] đã đảo ngược rất nhiều so với lúc bùng nổ trong thời kỳ đại dịch". Họ cảnh báo, cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra sẽ khiến xuất khẩu của Trung giảm sâu hơn nữa trong vài quý tới.

Tin liên quan
Tin khác