Đầu tư
Trung tâm điện khí miền Trung sẽ tạo động lực mới cho Quảng Nam
Hoàng Anh - 21/02/2024 13:34
Ngành công nghiệp tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; trong đó dự án Trung tâm điện khí miền Trung sẽ tạo động lực phát triển mới.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì ngành công nghiệp Tỉnh sẽ phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam cũng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy phát triển dự án Trung tâm điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh và vùng.

Được biết, Trung tâm điện khí miền Trung gồm 4 nhà máy điện với tổng công suất 3.000MW, sử dụng nguồn nguyên liệu khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và đang xúc tiến triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.

Vào tháng 7/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các nội dung đề nghị của Bộ Công thương trong văn bản về thúc đẩy triển khai Chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh.

Công nghiệp sẽ trở thành trụ cột kinh tế chính của tỉnh Quảng Nam.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng định hướng ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghiệp công nghệ cao tại khu vực đồng bằng để thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, tự động hóa, giá trị gia tăng cao, đóng góp ngân sách lớn.

Đồng thời đổi mới công nghệ, phát triển hợp lý, bền vững các ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến silica, may mặc, thời trang, đồ uống, hàng tiêu dùng, công nghiệp bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm gỗ.

Đầu tư các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi để phát triển các ngành công nghiệp gắn với giải quyết lao động, nguyên liệu tại chỗ; hạn chế tiếp nhận các ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm.

Tổng diện tích quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn Quảng Nam sẽ hơn 10.165 ha.

Phương án phát triển khu công nghiệp theo Quy hoạch, thì tỉnh Quảng Nam sẽ rà soát, điều chỉnh quy mô các khu công nghiệp đang triển khai, loại bỏ phần diện quy hoạch không phù hợp, tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng và thu hút đầu tư.

Ngoài ra, bổ sung các khu công nghiệp mới tại Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Phú Ninh, Tiên Phước, gắn với hành lang các tuyến quốc lộ, cao tốc trên địa bàn tỉnh và các tuyến tỉnh lộ thuận lợi.

Song song với đó là các khu công nghiệp phía Đông đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, tập trung thu hút các ngành công nghiệp hạn chế phát thải ra môi trường, có giá trị gia tăng cao, sử dụng đất và năng lượng tiết kiệm.

Tin liên quan
Tin khác