Phiên khai mạc Đại hội XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung đề ra. Ảnh QV. |
Nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành Trung ương là tập thể đoàn kết, thống nhất cao, bản lĩnh, trí tuệ, tuy nhiên có ủy viên Trung ương còn thiếu gương mẫu, vi phạm các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị xử lý kỷ luật về Đảng và xử lý hình sự.
Sáng 26/1, cuối phiên khai mạc Đại hội XIII, Đại hội đã nghe ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII trình bày báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Thực hiện nghị quyết với cách làm mới, toàn diện, hiệu quả
Báo cáo nêu rõ, ngay sau Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương đã lãnh đạo việc nghiên cứu, quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân với cách làm mới, toàn diện, hiệu quả.
Về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đã lựa chọn 10 nội dung lớn, toàn diện về kinh tế - xã hội đưa vào Chương trình làm việc toàn khoá. Trên cơ sở đó, Trung ương đã chỉ đạo xây dựng đề án, thảo luận và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng mang tầm chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hằng năm, đã thảo luận, cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; chủ động xác định chủ trương và lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từng bước vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì đà phục hồi của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Vượng cho biết, về lãnh đạo công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt quan tâm cho ý kiến đối với một số vấn đề chiến lược, quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhất là các vấn đề liên quan đến Biển Đông, chủ quyền, biên giới, lãnh thổ, an ninh quốc gia.
Trung ương đã nghiên cứu, ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận để tăng cường công tác xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, xác định rõ những biểu hiện cụ thể về suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Công tác cải cách tư pháp tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là thực hiện tốt cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. |
"Công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng được Ban Chấp hành Trung ương quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, được sự ủng hộ của nhân dân, đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Tình trạng tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng giảm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Phong cách lãnh đạo năng động, sáng tạo
Theo đánh giá của Trung ương, nhiệm kỳ qua các ủy viên Trung ương đều nêu gương về đạo đức, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và bảo vệ Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách.
Các ủy viên Trung ương cũng được nhìn nhận là đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ tham gia tích cực trong các tiểu ban, ban chỉ đạo, tổ biên tập các đề án khi được phân công hoặc tham gia đóng góp ý kiến vào các đề án trình Trung ương và trình Đại hội XIII của Đảng. Tích cực tham gia chuẩn bị và thảo luận, quyết định về những vấn đề lớn, quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quốc kế dân sinh, những nội dung cần xem xét, xử lý liên quan đến lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách; đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những nội dung cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng.
Có hai khuyết điểm được nêu tại báo cáo là một số ít ủy viên Trung ương chưa thường xuyên nghiên cứu sâu các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, cập nhật tình hình thực tiễn; thiếu chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn.
"Có đồng chí ủy viên Trung ương còn thiếu gương mẫu, vi phạm các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị xử lý kỷ luật về đảng và xử lý hình sự", báo cáo nêu khuyết điểm thứ hai.