Quốc tế
Trước giờ "khai tử", doanh nghiệp Mỹ vội chia thưởng, bồi thường gấp cho lãnh đạo
Lê Quân - 18/07/2020 16:25
Gần 1/3 trong tổng số hơn 40 công ty lớn của Mỹ vội trả thưởng cho các giám đốc điều hành trước thời điểm nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Đóng cửa vĩnh viễn 152 cửa hàng, sa thải 1.000 nhân viên do dịch Covid-19, nhưng J.C. Penney vẫn duyệt chi thưởng gần 10 triệu USD cho các giám đốc cấp cao, trong đó có CEO Jill Soltau. Ảnh: AFP

Đóng cửa nhưng vẫn thưởng lớn

Chuỗi bán lẻ 118 tuổi J.C. Penney đã không công bố lợi nhuận hàng năm kể từ năm 2010 với lý do phải vật lộn trước làn sóng dịch chuyển sang mua sắm trực tuyến và sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà bán lẻ hàng giá rẻ. J.C. Penney từng có hệ thống 1.600 cửa hàng với 200.000 nhân sự, nhưng những con số này sau đó bị “xén” hơn một nửa theo xu hướng thị trường và cạnh tranh gay gắt.

Đại dịch Covid-19 lan rộng tại Mỹ, buộc J.C. Penney tạm thời đóng cửa 846 cửa hàng và cho nghỉ việc 78.000 nhân viên. Giữa tuần này, hãng bán lẻ này cho biết sẽ đóng cửa vĩnh viễn 152 cửa hàng và sa thải 1.000 nhân viên.

Tuy nhiên, trước đó Hội đồng quản trị J.C. Penney hôm 10/5 vẫn phê duyệt các điều chỉnh các thưởng cho các giám đốc điều hành cấp cao, trong đó có CEO Jill Soltau, với tổng mức chi trả gần 10 triệu USD, theo hồ sơ phá sản.

Ba ngày quyết định chi thưởng được phê duyệt, bà Soltau nhận được khoản tiền thưởng ưu đãi 1,7 triệu USD và khoản thưởng bảo lưu 4,5 triệu USD. Trong khi mức bình quân hàng năm của nhân viên bán thời gian tại J.C. Penney năm 2019 là 11.482 USD.

Kế tiếp, 2 ngày sau khi trả thưởng cho bà Soltau, J.C. Penney nộp đơn xin phá sản. Tại phiên điều trần hôm sau đó, luật sư đại diện một chủ nợ của J.C. Penney cho rằng các khoản thưởng mà J.C. Penney chi trả trước khi nộp đơn phá sản là hành động luồn lách để thoát khỏi sự soi xét của tòa án.

“Các khoản trả thưởng và bồi thường đã được tính toán thực hiện để không phải trình ra trước mặt ông”, luật sư Kristopher Hansen thẳng thắn đề cập với Thẩm phán phá sản Mỹ David Jones tại phiên điều trần.

Trong tuyên bố hồi đầu năm nay, J.C. Penney cho biết, các khoản tiền thưởng nằm trong hàng loạt “quyết định khôn ngoan, thận trọng” mà hãng này đưa ra để bảo vệ tương lai.

Thế nhưng, Dennis Marten, một cổ đông của J.C. Penney và cũng từng là nhân viên của hãng này, tỏ ra bất bình trước các quyết định trả thưởng trên. Marten xuất hiện tại phiên điều trần để lên tiếng về cuộc điều tra các lãnh đạo của J.C. Penney. “Thật xấu hổ cho bà đấy (Soltau) vì trơ tráo nhận tiền thưởng”, Marten nói.

Lách luật

 

Theo luật phá sản của Mỹ năm 2005, ngoài trừ một số trường hợp ngoại lệ, doanh nghiệp đều bị cấm chi trả tiền thưởng cho các giám đốc điều hành trong quá trình làm thủ tục phá sản.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã lách kẽ hở luật pháp và thanh toán các khoản thưởng cho các cấp quản lý trước khi nộp đơn phá sản. Có đến 6/14 công ty phê duyệt tiền thưởng cho các giám đốc điều hành trong vòng 1 tháng khi nộp đơn phá sản. Các doanh nghiệp này biện minh việc chi thưởng nhằm bù đắp và ghi nhận nỗ lực của các giám đốc điều hành khi đương đầu với những thách thức kinh doanh thời Covid-19.

Thậm chí, 32/45 công ty mà Reuters nghiên cứu đã phê duyệt hoặc thanh toán tiền thưởng cho các lãnh đạo cấp cao trong vòng 6 tháng trước khi làm thủ tục phá sản. Gần một nửa các khoản thưởng đã được ủy quyền thanh toán trong vòng 2 tháng.

Đáng nói, 8 công ty, trong đó có J.C.Peyey và Hertz Global đã phê duyệt tiền thưởng ít nhất 5 ngày trước khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Mới đây nhất, Hi-Crush, một nhà cung cấp cát dùng cho kỹ thuật thủy lực cắt phá để khai thác dầu khí, đã trả thưởng cho các thành viên ban điều hành 2 ngày trước khi trình thủ tục phá sản vào ngày 12/7.

Nhiều công ty Mỹ nộp đơn phá sản đã từ chối bình luận về việc chi trả thưởng hậu hĩnh trước khi phá sản, còn một số doanh nghiệp biện minh rằng, bất ổn kinh tế đã khiến các kế hoạch khen thưởng trước đó trở nên bất khả thi hoặc các giám đốc điều hành được nhận tiền thưởng đợt vừa qua là những người trước đó đã phải từ bỏ các khoản thưởng khác.

Hãng bán lẻ đồ xa xỉ Neiman Marcus hồi tháng 3/2020 cũng tạm thời đóng cửa tất cả 67 cửa hàng và đến tháng 4 cho nghỉ việc 11.000 nhân viên. Trước đó, Neiman Marcus đã chi thưởng 4 triệu USD cho Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Geoffroy van Raemdonck hồi tháng 2 và trả hơn 4 triệu USD cho các giám đốc bộ phận trong vài tuần trước khi nộp đơn phá sản ngày 7/5.

Neiman Marcus vào tầm ngắm giám sát của tòa án tuần này khi đề xuất kế hoạch thưởng thêm cho các giám đốc điều hành sau khi nộp đơn phá sản. Hãng này đã từ chối bình luận về kế hoạch trên.

Tương tự, công ty cho thuê ô tô lớn thứ 2 tại Mỹ, Hertz Global, trước khi sa thải hơn 14.000 công nhân gần đây, đã trả hơn 1,5 triệu USD tiền thưởng cho các giám đốc điều hành cấp cao chỉ vài ngày trước khi trình đơn phá sản ngày 22/5.

Vung tiền thưởng trước thời điểm phá sản khiến các doanh nghiệp Mỹ bị chỉ trích là góp phần làm giàu cho các giám đốc điều hành, trong khi vẫn thẳng tay cắt giảm việc làm của người lao động, chây ì với chủ nợ và báo hại các nhà đầu tư chứng khoán.

Tháng trước, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã lên tiếng phản ứng trước làn sóng doanh nghiệp Mỹ phá sản nhưng vẫn trả thưởng hậu hĩnh. Họ đề xuất cần có luật bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ qua thông qua việc giành lại các khoản tiền thưởng.

Dự luật mà phe Dân chủ đề xuất mới đây là phiên bản cập nhật của dự luật bị bác bỏ trước đó. Một nguồn tin phe Dân chủ cho hay, dự luật này khó có thể qua cửa Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát.

Clifford J. White III, Giám đốc Chương trình Ủy thác Mỹ, một cơ quan đặc trách theo dõi các hoạt động phá sản của Bộ Tư pháp, cho biết các công ty trả thưởng trước khi phá sản đều biết họ sẽ phải đối mặt giải trình trước tòa án phá sản về khoản thưởng và bồi thường sau khi phá sản.

Tuy nhiên, với khung pháp lý hiện nay, cơ quan giám sát ủy thác không có quyền ngăn chặn doanh nghiệp trả thưởng vài ngày trước khi nộp đơn phá sản. Đây là kẽ hỡ pháp lý mà những doanh nghiệp bên bờ phá sản tận dụng để thoát lưới minh bạch và soi xét của tòa án.

Tin liên quan
Tin khác