Ngân hàng
Trước thềm cổ phần hóa, lợi nhuận của Agribank tăng vọt
Hà Tâm - 10/10/2018 13:28
Hoạt động trong lĩnh vực có tỷ suất sinh lời thấp, lại thực hiện vai trò của một ngân hàng chính sách, song lợi nhuận của Agribank trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng tới 37% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực của ngân hàng này trước thềm IPO.

Tiếp tục đứng đầu về thị phần huy động, tổng tài sản

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố báo cáo tài chính riêng bán niên năm 2018.

Theo đó, tính đến hết ngày 30/6/2018, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 925.217 tỷ đồng, tăng 5,6%. Tiền gửi khách hàng ở mức 1.053.187 tỷ đồng, tăng 4,5%; trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 11,2%.

Agribank hiện đứng đầu hệ thống ngân hàng về tổng tài sản và thị phần huy động, cho vay. Ảnh: Đức Thanh

Như vậy, xét về tổng tài sản và thị phần huy động, cho vay, Agribank đang đứng đầu hệ thống.

Do đặc thù hoạt động trong lĩnh vực tam nông - lĩnh vực có tỷ suất sinh lời kém - lại phải thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách, nên lợi nhuận của Agribank vẫn đứng sau nhiều ngân hàng khác. Tuy nhiên, lợi nhuận của Ngân hàng đã tăng trưởng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều tăng trưởng tốt.

Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, lãi thuần của Ngân hàng đạt 14.199 tỷ đồng (đã trừ chi phí hoạt động), tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nguồn thu chính vẫn đến từ tín dụng, với 19.131 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 12% (chưa trừ chi phí và trích lập dự phòng). Mảng dịch vụ tuy chiếm tỷ lệ ít hơn, song lại tăng trưởng tới 27%.

Lãi thuần tăng mạnh trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu giảm nhẹ, nên lợi nhuận trước thuế của Agribank tăng cao hơn, với 37%, đạt 3.796 tỷ đồng.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất là nợ xấu của Agribank giảm rất mạnh. Cụ thể, nợ xấu của Agribank tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) giảm từ 18.993 tỷ đồng xuống 9.590 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Agribank hiện chỉ còn 3,2%, giảm mạnh từ mức 4,15% cuối năm 2017 và mức 6,38% cuối năm 2016. Như vậy, khả năng đưa nợ xấu về mức dưới 3% không phải là quá khó khăn với ngân hàng này.

Tăng vốn vẫn là bài toán khó

Theo dự kiến, phương án cổ phần hóa của ngân hàng sẽ được phê duyệt ngay trong tháng 10/2018 này và đến cuối năm 2018 sẽ xác định xong giá trị doanh nghiệp. Sức khỏe tài chính được cải thiện đáng kể ngay trước thềm cổ phần hóa là tín hiệu hết sức khả quan với lộ trình phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của ngân hàng này.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank, việc IPO sẽ gặp không ít khó khăn. Sớm nhất phải đến năm 2020, ngân hàng này mới có thể IPO, theo đó, vấn đề nan giải nhất mà Ngân hàng phải giải quyết hiện nay là bài toán vốn.

Hiện nay, tổng vốn tự có riêng lẻ của Ngân hàng là 69.811 tỷ đồng. Trong đó, vốn cấp I là 45.359 tỷ đồng (bao gồm hơn 30.000 tỷ đồng vốn điều lệ) và vốn cấp II là 24.452 tỷ đồng.

Được biết, Agribank từng là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, nhưng hiện tại đã tụt xuống thành ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống. Trong khi các ngân hàng thương mại khác có thể huy động vốn từ thị trường, thì Agribank hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách vì là ngân hàng 100% vốn nhà nước. Ngân sách luôn trong tình trạng bội chi, nên dễ hiểu tại sao ngân hàng được cấp nguồn tăng vốn hết sức nhỏ giọt.

Do vốn chủ sở hữu tăng rất chậm, trong khi nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng nhanh, hệ số an toàn vốn (CAR) của Agribank - cũng như nhiều ngân hàng TMCP quốc doanh khác - đang mấp mé rủi ro. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Agribank cũng như sự tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này. Do vậy, Agribank đang rất cần được Bộ Tài chính cấp vốn.

Hiện 70% tổng dư nợ của Agribank là cho vay nông nghiệp - chiếm 50% thị phần tín dụng tam nông cả nước - nếu Agribank tăng trưởng tín dụng chậm lại để đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn, thì vốn cho nền nông nghiệp cũng chắc chắn sẽ sụt giảm. Chưa kể, các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ cũng bị ảnh hưởng theo.

Không chỉ chậm được cấp vốn, Agribank còn bị ngân sách “nợ” tiền cấp bù lãi suất từ các chương trình tín dụng chính sách. Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho hay, ngoài huy động vốn như ngân hàng thương mại khác, Agribank đang dành một phần lớn cơ cấu tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay mà Agribank áp dụng cho các lĩnh vực này ở mức ưu đãi, chỉ khoảng 6,5%. Tuy vậy, Ngân hàng thường xuyên trong tình trạng chưa nhận được đủ cấp bù lãi suất.

Tin liên quan
Tin khác