Thời sự
Trưởng ban Tổ chức Trung ương: Cơ bản, Bí thư không phải người địa phương sẽ tốt hơn
Hồ Hạ - 14/07/2022 17:06
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhận định, về cơ bản, Bí thư không phải người địa phương sẽ tốt hơn Bí thư là người địa phương.

10 nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác xây dựng Đảng

Tại Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022, do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ngày 14/7/2022, với sự tham dự của 1.700 đại biểu (trực tiếp và trực tuyến qua các đầu cầu); đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, đây là lần thứ hai đồng chí tham dự Hội nghị này. 

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hồ Hạ)

Nhận định, qua mỗi năm tổ chức Hội nghị, chúng ta có thêm những kinh nghiệm, số lượng đại biểu ngày càng lớn hơn, không chỉ là số lượng phóng viên, biên tập viên mà cả các bộ quản lý; đồng chí Trường Thị Mai khẳng định: “Sự quan tâm, cùng tham gia để phối hợp tuyên truyền sâu rộng hơn về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng là yêu cầu rất quan trọng, không chỉ ở các cơ quan chuyên trách về công tác xây dựng Đảng mà cả ở các Đảng viên, các cán bộ lãnh đạo quản lý, nhân dân. Từ đó góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, đáp ứng được yêu cầu không chỉ của Đảng, cán bộ đảng viên mà còn của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”.

Đại hội XIII của Đảng năm nay đã bước sang năm thứ hai, cả nước đang khẩn trương tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng. Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, cụ thể hóa là một trong những vấn đề rất quan trọng. “Từ Nghị quyết VIII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải cụ thể hóa, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đơn vị, địa phương mình”, đồng chí nhấn mạnh. 

Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022 nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” do Vinamilk đồng hành. Dự án nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước, góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng “Búa liềm vàng” lần thứ VII - năm 2022.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương thông tin, năm 2021, Bộ chính trị đã có các Đoàn kiểm tra về triển khai Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng. Năm nay, tăng cường việc triển khai Nghị quyết 13, Bộ Chính trị sẽ có những đoàn kiểm tra cả việc triển khai Nghị quyết 13 và vấn đề cụ thể hóa Nghị quyết 13 như thế nào, tổ chức triển khai ra sao. 

“Như vậy, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục tăng cường và có những biện pháp, giải pháp thiết thực, tích cực đưa Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng vào cuộc sống”, đồng chí Trương Thị Mai nói. 

Cũng theo đồng chí, đối với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết 13 xác định, trong những năm tới, đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ. Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh 10 nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác xây dựng Đảng gồm:

Một là, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị.

Hai là, coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng.

Ba là, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Năm là, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên.

Sáu là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu.

Bảy là, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Tám là, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Chín là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Mười là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho hay, năm nay, Ban Tổ chức Trung ương được giao tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương báo cáo về phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. 

“Dự kiến, chúng tôi sẽ có Nghị quyết đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới, để làm sao công tác lãnh đạo của Đảng được đổi mới hiệu quả, đáng ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới”, đồng chí cho biết. 

Ba nhiệm vụ đột phá 

Cùng với đó, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu ba nhiệm vụ đột phá đối với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng gồm:

Thứ nhất, hoàn tiện thể chế. Thể chế bằng chính những văn bản cụ thể của Đảng, nhưng cũng có thể chế bằng pháp luật của Nhà nước, để làm sao thể chế là điều kiện tốt để chủ trương, quan điểm của Đảng đi vào cuộc sống. 

Thứ hai, dân chủ gắn với kỷ cương. Tiếp tục phát huy dân chủ nhưng gắn với kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường cho cán bộ đổi mới, sáng tạo. 

Thứ ba, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. 

Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, nhân Kết luận 21 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, tới đây, sẽ có quy định của Đảng về kiểm soát hiệu lực trong những cơ quan tư pháp, cơ quan tố tụng, kiểm tra. Đảng sẽ tiếp tục nghiên cứu và ban hành để làm sao cơ chế, chính sách của chúng ta đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. 

Đã ban hành 44 văn bản

Từ năm 2021 đến nay, Ban Tổ chức Trung ương đã nỗ lực triển khai những quan điểm rất lớn tại Nghị quyết 13 của Đảng. “Chúng tôi đã tham mưu, đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ban hành theo thẩm quyền 44 văn bản liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng ở các thẩm quyền khác nhau”, đồng chí Trương Thị Mai thông tin. 

Cũng theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương đã có 3 văn bản, đều là những văn bản quan trọng. Văn bản thứ nhất là Quy định 24-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng. Văn bản thứ hai là Kết luận 21 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Văn bản thứ ba về tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên. Trong năm nay, sẽ tiếp tục có Nghị quyết về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Bộ Chính trị đã ban hành 17 văn bản liên quan đến các tổ chức xây dựng Đảng.

Ban Bí thư ban hành 10 văn bản.

6 tháng đầu năm 2022, Ban Tổ chức Trung ương đã hoàn thành tham mưu 12/19 văn bản, chiếm 63,15% văn bản được Bộ Chính trị giao. 

Kết thúc năm 2022, dự kiến sẽ có khoảng 60 văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng được ban hành. “Trong đó chủ yếu là các văn bản sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với giai đoạn mới. Nhiệm vụ quan trọng nhất trong 6 tháng cuối năm của Ban Tổ chức Trung ương là báo cáo về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, đồng chí Trương Thị Mai cho biết. 

32/63 Bí thư không phải người địa phương 

Chia sẻ về việc thực hiện Nghị quyết 26 về xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược các cấp, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết 26 là đến cuối nhiệm kỳ này, cơ bản Bí thư không phải người địa phương.

Hiện, ở cấp tỉnh, thành phố, cả nước có 32/63 Bí thư không phải người địa phương. Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, đồng chí thường nhận được hai câu hỏi: Bí thư không phải người địa phương có tốt hơn Bí thư là người địa phương không? Và Bí thư là Chủ tịch UBND tốt hơn hay Bí thư là Chủ tịch HĐND tốt hơn? 

“Bằng thực tiễn quá trình công tác tại Ban Tổ chức Trung ương, tôi có thể trả lời ngay: Về cơ bản, Bí thư không phải là người địa phương sẽ tốt hơn. Và Bí thư làm Chủ tịch HĐND rất tốt vì Bí thư làm giám sát thì tốt hơn nhiều so với một đồng chí Phó bí thư làm công tác này”, đồng chí Trương Thị Mai trả lời. 

Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng, có một số đồng chí Bí thư không phải người địa phương sẽ cần phải có thời gian để am hiểu địa phương. Đồng chí đó phải làm sao để khẳng định với cộng đồng địa phương mình trưởng thành, làm việc hiệu quả. 

“Nhưng 32/63 đồng chí Bí thư không phải người địa phương, đánh giá mức độ thế nào cũng còn tùy thuộc vào con người đó, phẩm chất đạo đức của đồng chí Bí thư đó như thế nào”, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhận định. 

Thông tin về cán bộ cấp huyện và xã, đồng chí cho hay, hiện nay, Bí thư cấp huyện không phải người địa phương cũng đạt 38,8%. Bí thư là Chủ tịch HĐND cấp huyện đạt 46,11%. Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp xã đạt 59,1%. 

Bí thư là Chủ tịch UBND cấp huyện đạt 5,23%, với 37 huyện có Chủ tịch UBND đồng thời là Bí thư. Có 9,64%, tức 1.072 xã có Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND.

Đến thời điểm này, nơi có quy mô nhỏ như đảo Lý Sơn, đảo Phú Qúy,… thực hiện mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND. 

“Ban Tổ chức sẽ tổng kết, báo cáo việc thực hiện công tác cán bộ tại những địa phương quy mô nhỏ. Các đồng chí phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí có thể nghiên cứu mô hình này để góp phần tuyên truyền cho Nghị quyết 26 của Đảng”, đồng chí Trương Thị Mai nói. 

Tại Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí 2022, các địa biểu, học viên đã được các báo cáo viên có kinh nghiệm lâu năm trong công tác xây dựng Đảng trao đổi, chia sẻ và cùng giải đáp những thắc mắc về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng.
Các nội dung chính tại Hội nghị gồm: Giới thiệu những nội dung mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; Các nội dung về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Một số vấn đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay; Chia sẻ những kinh nghiệm lựa chọn đề tài và kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng; Nội dung thông tin, tuyên truyền năm 2022 và một số mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Tin liên quan
Tin khác