Thời sự
Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ khả năng được tuyển sinh đào tạo cả dược và y
Hải Hà - 28/12/2015 21:26
Trong cuộc họp chính thức với báo giới diễn ra chiều nay, 28/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kết luận chính thức về việc cho phép mở ngành y đa khoa và ngành dược học của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
TIN LIÊN QUAN

Theo đó, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế đồng ý để trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ngành dược học từ năm 2016 nếu thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã ký trị giá 23 tỉ đồng; bổ sung tối thiểu 1 thạc sĩ môn phân tích kiểm nghiệm và báo cáo Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế.

Đối với ngành y đa khoa, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế sẽ xem xét cho phép trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh sau khi trường bổ sung đội ngũ, trong đó, có 1 tiến sĩ sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học: chẩn đoán hình ảnh, truyền nhiễm, tâm thần, ký sinh trùng, sinh lý bệnh, miễn dịch, mô phôi; thực hiện hợp đồng mua bán trang thiết bị đã ký trị giá khoảng11 tỷ đồng…

Đại diện đoàn kiểm tra liên ngành giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế trả lời báo chí xung quanh vấn đề mở ngành của trường ĐH Kinh doanh Công nghệ.

Đây là kết quả sau khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo hai Bộ (Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT) phối hợp thẩm định lại, nếu đủ mọi điều kiện theo quy định mới cho phép tuyển sinh và mở ngành

Ngày 25/11/2015, Thứ trưởng Bộ GD –ĐT Bùi Văn Ga đã ký quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y đa khoa và Dược học.

Câu chuyện gây tranh cãi khi cuối năm 2014, Bộ GD-ĐT có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học đối với Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược.

Đặc biệt, việc Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT cùng tham gia thẩm định cho trường ngoài công lập này mở ngành Y, Dược nhưng có quan điểm vênh nhau càng khiến dư luận băn khoăn.

Do đó, đoàn thẩm định liên ngành Giáo dục và đào tạo – Y tế gồm 10 thành viên đã họp và thống nhất nội dung kiểm tra gồm: đội ngũ giáo viên và cơ cấu tổ chức của ngành Y đa khoa; đội ngũ giáo viên và cơ cấu tổ chức ngành Dược học; trang thiết bị, cơ sở vật chất để đào tạo ngành Y đa khoa trong 3 năm đầu; trang thiết bị cơ sở vật chất để đào tạo ngành Dược học trong 5 năm; điều kiện thực hành.

Kết luận của đoàn kiểm tra mới đây cho thấy, trường đã bổ sung cơ sở vật chất và đội ngũ theo góp ý của các thành viên trong đoàn thẩm định liên ngành tại biên bản ngày 5/10/2015.

Theo đó, điều kiện cơ sở vật chất và giảng viên của trường đã vượt so với quy định mở ngành của TT08; có tham khảo đề xuất của Bộ Y tế với Bộ GD-ĐT tại CV số 7836 năm 2014. Cụ thể, đối với ngành y đa khoa: về đội ngũ giảng viên ngành y có 34 người có trình độ thạc sĩ trở lên/56 giáo viên cơ hữu, trong đó, có 23 tiến sĩ và 11 thạc sĩ; 10 chuyên khoa 1 và 12 chuyên khoa 2; thiếu 1 tiến sĩ sản khoa và 6 môn học chưa có giáo viên cơ hữu đúng chuyên ngành: chẩn đoán hình ảnh, truyền nhiễm…

Đối với ngành dược học, về đội ngũ giảng viên ngành dược có 20 giảng viên có trình độ tiến sĩ, PGS, thạc sĩ, 2 chuyên khoa 1, 1 chuyên khoa 2 trong đó 14 chuyên ngành và 8 cơ sở… Về cơ sở thực hành, có đủ bệnh viện đa khoa đảm bảo yêu cầu thực hành, thực tập của sinh viên, có hướng dẫn, đánh giá của các giảng viên cơ hữu của trường.

Tuy nhiên, tại buổi gặp mặt báo chí, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội đặt lo ngại trước vấn đề phần lớn giảng viên các trường dân lập đã về hưu là điều đáng suy nghĩ bởi độ tuổi sinh học và độ tuổi làm việc nhiều khi không đồng hành. Những giảng viên 75-80 tuổi không thể trực tiếp mổ và hướng dẫn học sinh mổ trong bệnh viện.

Ông Hinh cho biết, mặc dù bản thân là hiệu trưởng nhưng ông vẫn trực tiếp thực hành.

Tin liên quan
Tin khác