Thoả thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty Ô tô Trường Hải đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Thoả thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty Ô tô Trường Hải đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
HAGL hiện có tổng tài sản lên đến 53.000 tỷ đồng, đã hoạt động trên 25 năm với ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ lực hiện nay là nông nghiệp, trải rộng trên lãnh thổ của 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia với tổng diện tích trên 80.000 ha, cùng với dự án khu phức hợp HAGL nằm tại trung tâm Yangon (Myanmar) đã tạo ra công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động trong và ngoài nước.
Một trang trại cao su tại Lào của Hoàng Anh Gia Lai |
Hiện nay HAGL đang gặp khó khăn khi giá mủ cao su giảm sâu, từ mức trên 5.000 USD/tấn cách đây khoảng 10 năm và đến nay vẫn chỉ khoảng 1.300USD/tấn. Từ đó, các hoạt động khai thác mủ cao su gần như ngưng trệ toàn bộ, do càng khai thác càng lỗ, cho nên HAGL đối diện với cuộc khủng hoảng thật trầm trọng.
Chính điều này làm cho Công ty đối diện với nhiều khó khăn, bị mất thanh khoản, không đủ khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn.
Mặc dù đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét tái cấu trúc nợ, giảm lãi suất, đồng thời Công ty cũng đã nỗ lực cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng giảm nợ, nhưng đến nay tổng dư nợ vay của HAGL vẫn còn khoảng 23.000 tỷ đồng dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh hàng năm rất lớn.
Để thoát khỏi khó khăn này, HAGL đã mạnh dạn chuyển hướng sang trồng cây ăn trái với tổng diện tích đã trồng lên đến 12.000 ha (mục đích lấy ngắn nuôi dài, tạo thanh khoản) với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, chanh dây, bưởi da xanh, mít và hơn 10 loại cây ăn trái khác, đã bắt đầu thu hoạch và xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Tuy vậy, HAGL vẫn gặp khó khăn về thanh khoản, giá cổ phiếu giảm sâu, đối diện với nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn.
Trong bối cảnh đó, ông Đoàn Nguyên Đức đã tìm đến gặp ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT của Thaco đề nghị hợp tác đầu tư vào Công ty Nông nghiệp HAGL (HNG) với mục đích chính là cùng nhau xây dựng công ty trở thành công ty nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, đồng thời hai bên cùng hợp tác đầu tư xây dựng giai đoạn 2 dự án Myanmar.
Từ tháng 3/2018, ông Trần Bá Dương đã ứng cho Công ty Nông nghiệp HAGL các khoản tiền để phát triển thêm diện tích trồng cây ăn trái và thanh toán các khoảng nợ đến hạn là 1.577 tỷ đồng. Đồng thời Thaco chính thức tiến hành nghiên cứu khả thi cho hợp tác đầu tư chiến lược với HAGL.
Với thoả thuận hợp tác chiến lược được ký kết tối nay, THACO sẽ đầu tư vào 2 công ty là Công ty Nông nghiệp HAGL và HAGL Myanmar.
Ông Trần Bá Dương (phải) tặng quà cho người dân khu vực dự án tại Campuchia |
Đối với Công ty Nông nghiệp HAGL, thông qua Hợp đồng mua bán Trái phiếu chuyển đổi HNG chưa phân phối hết cho các cổ đông hiện hữu (để cấn trừ khoảng nợ trên) và thông qua nghiệp vụ mua cổ phiếu, Thaco và nhóm cổ đông của Thaco sở hữu 35% HNG với tổng số vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng.
Song song đó, Đại Quang Minh (một công ty cũng do ông Trần Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT) sẽ đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% vốn tại HAGL Myanmar với số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.
Nhưng đây chỉ là số tiền mua cổ phần để nắm quyền sở hữu. Để HAGL phát triển nhanh và bền vững, có lợi nhuận tốt cho những năm sau, Thaco cam kết sẽ thu xếp để cơ cấu lại các khoản nợ vay khoảng 14.000 tỷ đồng, và huy động vốn đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có, phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án Myanmar.
Ông Đoàn Nguyên Đức (phải) ủng hộ người dân vùng ngập lụt ở Lào |
Đây có thể xem là một trong những thương vụ lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay đối với hai doanh nghiệp trong nước.
Mục tiêu của hợp tác là đưa Công ty Nông nghiệp HAGL thành 1 tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam nói riêng và trong khu vực Đông Nam Á nói chung dựa trên quỹ đất hơn 80.000 ha nằm tại khu tam giác phát triển bao gồm Tây Nguyên Việt Nam, Nam Lào, và Đông Bắc Campuchia. Quỹ đất rộng lớn thuộc vùng khí hậu nhiệt đới với thổ nhưỡng thích hợp, nguồn nước đầy đủ, nguồn lao động dồi dào là một lợi thế cạnh tranh mà khó có doanh nghiệp nào trong khu vực có được.
Ngoài cây cao su hiện có, Công ty Nông nghiệp HAGL sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cây ăn trái và cây dược liệu nhiệt đới có giá trị kinh tế, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Global GAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương, đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.
Tại Myarma, Dự án bất động sản quy mô 440 triệu USD sẽ là 1 tổ hợp lớn gồm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp, bao gồm 10 tòa nhà 27 tầng nằm trên diện tích 8 ha tại trung tâm thành phố Yangon để đưa vào sử dụng trong tháng 4/2020.