Ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) |
Nhìn lại khoảng thời gian hơn 3 năm chống dịch Covid-19 nóng bỏng vừa qua, cảm xúc đọng lại trong ông là gì? Từ đó, ông nhìn nhận ra sao về vị trí, vai trò của công tác truyền thông y tế?
Covid-19 là thách thức lớn với những người làm truyền thông y tế, bởi đây là đại dịch hàng trăm năm mới xuất hiện một lần và bệnh quá mới, nên cả thế giới đều lúng túng.
Tuy nhiên, có một điều khá thuận lợi là ngay từ trước khi đại dịch xảy ra, tức khoảng cuối năm 2019, Bộ Y tế đã có hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) để tiến hành đánh giá, đưa ra các giải pháp cho cho truyền thông nguy cơ ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đầu năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch truyền thông nguy cơ trong giai đoạn 2020-2025 với các giải pháp thiết thực, cụ thể. Đây chính là kim chỉ nam, là tiền đề quan trọng giúp công tác truyền thông trong đại dịch đi đúng hướng và chủ động, linh hoạt, sáng tạo.
Nếu được nói về những giây phút đã trải qua trong đại dịch, thì không chỉ tôi, mà cả những người làm công tác truyền thông y tế thực sự là khó quên. Đó là, với sự chỉ đạo rất quyết liệt, rất sát của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành y tế, trăn trở, miệt mài chuyển tải thông điệp khô khan, đôi khi khó hiểu đến người dân một cách dễ hiểu. Bên cạnh đó là những phút giây thực sự phải vượt qua chính mình, vượt qua sự âu lo, sợ hãi, cũng như áp lực bủa vây.
Chúng tôi đã trải qua những khắc nghiệt, khó khăn trong đại dịch cùng người dân, nên chúng tôi càng thấy hiểu, trân trọng và thấy được ý nghĩa trong công việc mình làm, đó là góp phần nhỏ bé vào công cuộc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Chúng tôi cũng thấy rằng, được làm việc trong lĩnh vực mang ý nghĩa nhân văn này là một may mắn, từ đó bản thân mình có thêm động lực để cố gắng mỗi ngày.
Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch với quy mô, mức độ lây lan đợt sau phức tạp hơn đợt trước, đặc biệt làn sóng đợt dịch thứ tư lây lan tại nhiều tỉnh, thành phố, cùng sự biến đổi liên tục của các biến chủng nguy hiểm, nên công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế nói riêng và toàn ngành y tế nói chung nhằm giúp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Những thông tin y tế chính thống chiếm ưu thế và chủ đạo trong các luồng thông tin xã hội, nhằm tạo sự tin tưởng, đồng thuận của người dân và góp phần tạo sự thống nhất trong sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác truyền thông nói riêng và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nói chung.
Bộ phận truyền thông phòng chống dịch trong suốt hơn 3 năm chống dịch là Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) đã đổi mới nhiều cách thức cung cấp thông tin để chuyển tải các thông điệp một cách kịp thời, khách quan và chủ động tới cộng đồng.
Đâu là điều đáng tự hào nhất mà truyền thông y tế đã làm được trong đại dịch Covid-19, thưa ông?
Trong chiến dịch truyền thông không ngừng nghỉ về phòng, chống đại dịch Covid-19, với quan điểm cung cấp thông tin phải đảm bảo “kịp thời - minh bạch - chính xác và tin cậy”, công tác truyền thông đã huy động sức mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam, phát huy hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, huy động các lực lượng, các phương tiện, kết hợp truyền thống và hiện đại, sử dụng triệt để các hình thức tạo ra chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội với những dấu ấn thật sự ấn tượng.
Trước hết, đó là chiếm lĩnh và chủ đạo của truyền thông chính thống. Ngay từ những ngày chống dịch đầu tiên, các cơ quan thông tấn, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình cả ở Trung ương lẫn địa phương đều đã chủ động nhập cuộc, tăng thêm thời lượng, mở thêm chuyên mục, bố trí thêm phóng viên, biên tập viên để khai thác mọi chủ đề của đời sống liên quan tới dịch bệnh, không ngại các điểm nóng, ổ dịch, thực hiện cập nhật thông tin 24/7, làm sao để có được những thông tin chỉ đạo điều hành, tình hình dịch bệnh, khuyến cáo phòng ngừa mới nhất, cập nhật nhất để phục vụ nhu cầu của công chúng.
Nhờ đó, các thông tin chính thống, chính xác về phòng, chống dịch tạo một dòng chảy chủ đạo của truyền thông trong phòng chống đại dịch và tạo được niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự tham gia của các cấp, các ngành.
Tiếp đến, chiến dịch truyền thông không ngừng nghỉ về phòng, chống đại dịch Covid-19 đã tận dụng triệt để ưu thế truyền thông 4.0. Theo đó, ngay từ những ngày đầu, các doanh nghiệp và chuyên gia của Việt Nam đã kịp thời phối hợp với Bộ Y tế đưa ra những ứng dụng (app) để cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân phòng chống dịch; khai báo y tế và cập nhật tình trạng sức khỏe, cũng như quản trị thông tin tiêm chủng của cá nhân.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng tờ khai y tế điện tử. Việc gửi các khuyến cáo từ hệ thống điện thoại di động, từ các tiện ích trên mạng đi động được áp dụng triệt để. Ngoài ta, chúng ta cũng thành công trong việc sử dụng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube để truyền tải các thông tin về Covid-19 để người dân tiếp cận một cách nhanh nhất.
Thông qua mạng xã hội, thông qua giao tiếp trực tiếp, người dân đã chủ động chia sẻ thông tin đúng về phòng, chống dịch và những khuyến cáo có lợi cho sức khỏe; cổ vũ động viên những lực lượng tham gia chống dịch như thầy thuốc, bộ đội, công an…; lên án những cá nhân có hành vi sai trái, không phù hợp, ảnh hưởng xấu đến công cuộc chống dịch.
Một dấu ấn khác của công tác truyền thông y tế trong đại dịch Covid-19 là huy động được sức mạnh toàn dân. Khi người dân nắm được thông tin về diễn tiến dịch bệnh, tin tưởng vào chất lượng thông tin, người dân tự thấy mình cũng có trách nhiệm tham gia vào sự nghiệp chung cả nước chống Covid-19.
Theo đó, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, người dân đã vô cùng sáng tạo khi biến những khuyến cáo phòng, chống dịch có phần khô khan thành những câu vè, những bài đồng dao, hay đặt lời mới cho những làn điệu dân ca gần gũi của quê hương mình và những bài hát nổi tiếng để những nội dung truyền thông phòng, chống dịch trở nên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc và đi vào lòng người. Chẳng hạn, bài hát nổi tiếng “Ghen Cô Vi” kết hợp với vũ điệu rửa tay đã ngay lập tức gây tiếng vang lớn trên phạm vi toàn cầu.
Ngoài những thành tựu lớn đạt được, theo ông, có những bài học nào về công tác truyền thông y tế cần được rút ra qua đại dịch để làm tốt hơn trong thời gian tới?
Trong thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh tại các tỉnh, thành phố, lực lượng báo chí gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tâm dịch, các khu cách ly, bệnh viện dã chiến và các trung tâm điều trị bệnh nhân nặng (ICU). Đặc biệt, trong thời gian đầu bùng phát dịch, cơ chế cung cấp thông tin, nội dung, phương thức, lực lượng thông tin có lúc chưa thật hợp lý. Sự phát triển của truyền thông xã hội gây khó khăn trong quản lý thông tin phòng, chống dịch, đặc biệt là thông tin sai sự thật, tin giả; các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.
Bên cạnh đó, các biện pháp chống dịch thay đổi nhanh chóng theo diễn tiến của dịch, khiến hoạt động truyền thông truyền thống bộc lộ những hạn chế nhất định, nên cần đổi mới phương thức truyền thông đáp ứng tình hình dịch bệnh thông qua tận dụng lợi thế của truyền thông số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cập nhật dữ liệu, thông tin. Chúng ta cũng cần chú ý hơn tới việc cung cấp khuyến cáo phòng chống dịch cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Theo ông, đại dịch có làm thay đổi cách thức của người làm truyền thông và bản thân những nhân viên truyền thông y tế?
Bên cạnh cách làm truyền thống trực tiếp tại cộng đồng như cung cấp thông tin cho báo chí, tăng cường làm truyền thông trên mạng xã hội, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ ứng dụng xu hướng truyền thông mới vào lĩnh vực y tế, cụ thể là sử dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin cho các chủ thể.
Bên cạnh đó là đa dạng hoá các hình thức cung cấp thông tin. Chẳng hạn, trước đây ngành y tế sản xuất Infographic để cung cấp thông tin cho người dân không nhiều, không thường xuyên, nhưng trong đại dịch, công tác này được tiến hành thường xuyên, mang lại hiệu quả tích cực.
Với những người làm truyền thông y tế, đại dịch buộc chúng tôi phải tăng cường nắm bắt, đi theo xu hướng truyền thông thế giới, đặc biệt là những nền tảng truyền thông mới, như TikTok.
Chúng tôi vẫn chú trọng phương thức truyền thống để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, tổ chức công đoàn, các già làng, trưởng bản... Cách làm chủ động, linh hoạt, đa dạng hóa các cách thức truyền thông đã mang lại hiệu quả tốt.
Thực tế cho thấy, bộ máy làm truyền thông y tế đa phần là các y, bác sĩ, không được đào tạo về truyền thông, nên để nắm bắt xu hướng truyền thông mới cũng là một trong những thách thức. Tuy nhiên, một khi nắm vững xu hướng truyền thông mới, thì đội ngũ truyền thông y tế triển khai rất tốt.
Mấu chốt vấn đề là tập huấn để họ có nắm được kỹ năng chuyển tải các kiến thức y khoa trở thành thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu.
Vậy trong bối cảnh mới, theo ông, những người làm công tác truyền thông y tế cần trang bị những gì để không bị lạc hậu?
Hơn ai hết, những người làm truyền thông y tế phải hiểu, nắm được kiến thức của ngành y tế, hiểu và biến kiến thức đó thành những thông điệp giản dị, dễ hiểu.
Y tế là một lĩnh vực đa dạng, bao gồm nhiều khoa học chuyên sâu, do vậy, nhiệm vụ của những người làm công tác truyền thông y tế là làm sao biến những kiến thức phức tạp, khô khan, khó hiểu thành những hướng dẫn dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, người làm truyền thông phải sáng tạo để phù hợp với sự thay đổi không ngừng của công nghệ và thói quen tiếp nhận thông tin mới phát sinh của người dân. Muốn làm được như vậy, cán bộ truyền thông không có cách nào khác là liên tục học hỏi, sáng tạo, trang bị tri thức, kinh nghiệm, thực tiễn và vốn sống để đổi mới hoạt động truyền thông, đồng thời ứng dụng tốt công nghệ để hiện thực hóa các mục tiêu truyền thông.
Vậy truyền thông y tế trong thời gian tới nên được tiến hành ra sao để làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thưa ông?
Truyền thông y tế tác động đến đông đảo tầng lớp nhân dân trong thay đổi nhận thức để hình thành những thói quen tốt, trong việc vận động chính sách, xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe có lợi cho nhân dân.
Trong y tế, truyền thông phải đi trước một bước và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, truyền thông cần làm tốt nhiệm vụ của mình để người dân hiểu được chủ trương chính sách y tế, để thực hiện đúng và trúng.
Nửa triệu cán bộ y tế đang hoạt động trên khắp các tuyến y tế cơ sở hiện nay không chỉ là đối tượng truyền thông, mà chính họ còn là chủ thể của công tác truyền thông. Bản thân họ cần nắm vững được các thông điệp truyền thông, cách thức truyền thông để có thể thay đổi thói quen của người dân, người bệnh nhằm nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Trong thời gian tới, công tác truyền thông y tế sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự cố gắng, nỗ lực của mỗi cán bộ y tế. Do đó, mỗi cán bộ làm công tác truyền thông của các đơn vị y tế cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và phát huy vai trò, khả năng của mình để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông y tế.