6 biện pháp cần nhớ
Bộ Y tế cho biết hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm.
Ảnh minh hoạ. |
Theo thống kê của hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận 8.995 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang và Long An.
So với cùng kỳ 2022 (12.649 ca mắc/1 ca tử vong) số mắc giảm 28%, tử vong tăng 2 trường hợp; trong đó ghi nhận cao nhất tại miền Nam (6.204/2), miền Bắc (2.007/0), miền Trung (656/0), Tây Nguyên (130/1).
Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
Vệ sinh cá nhân
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Vệ sinh ăn uống
Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt
Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt của trẻ là một trong những biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng
Thu gom và xử lý chất thải của trẻ
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo dõi phát hiện sớm
Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh
Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Cứu trẻ mắc tim bẩm sinh nặng ngay từ khi chào đời
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vừa phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh một ca tim bẩm sinh nặng, giúp trẻ ổn định sau đó chuyển bé về Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.
Chị Đ.T.L (21 tuổi), mang thai lần đầu, khám thai định kỳ tại phòng khám tư. Tới tuần thai thứ 33, thai nhi được phát hiện bất thường có nhịp tâm thất nhanh. Chị L. đã chuyển đến khám tại một cơ sở y tế và điều trị bằng Digoxin 2 tuần tuy nhiên tình trạng không cải thiện.
Bệnh viện quyết định tới khám tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khi đã sang tuần 35 của thai kỳ, trường hợp của chị L. nhanh chóng được Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tổ chức hội chẩn liên viện với các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương.
Siêu âm hội chẩn tại tuần 35 cho thấy, thai nhi có nhịp tim thai nhanh, không đều, tần số từ 195-199 lần/phút, có nhịp ngoại tâm thu. Siêu âm hội chẩn tim tại Bệnh viện Nhi Trung ương phát hiện: Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, có nhịp nhĩ block.
Với tình trạng trẻ mắc tim bẩm sinh nặng ngay từ trong thời kỳ bào thai, Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh có kế hoạch quản lý thai kỳ phát hiện tất cả các bất thường kèm theo và có chiến lược chăm sóc thai nghén đặc biệt.
Chị L. nhập viện tại Khoa Sản bệnh A4, được các bác sĩ theo dõi sát sao, đo monitor kiểm tra tim thai 3 lần/ngày, hướng xử trí mổ lấy thai chủ động khi thai đủ tháng. Kế hoạch theo dõi thai kỳ nghiêm ngặt, phương án can thiệp, các phương án dự phòng,… đều được tính toán kỹ lưỡng.
Khi thai nhi bước sang tuần 38, nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để mổ lấy thai cứu nguy cho em bé, các bác sĩ đã chuẩn bị chu đáo kế hoạch hồi sức sơ sinh, bảo đảm tính mạng cho thai nhi ngay từ khoảnh khắc chào đời.
Một ê kíp hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh gồm các bác sĩ khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng đơn vị rối loạn nhịp - Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ca mổ được thực hiện bởi Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Khắc Huỳnh - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cùng ê kíp. Em bé chào đời với cân nặng 2.900g, khóc to, da hồng hào, tuy nhiên nhịp tim dao động 160-200 lần/phút.
Ngay lập tức, bé được thực hiện hồi sức sau sinh qua cơn nguy kịch. Khi các chỉ số đi vào ổn định, em bé được chuyển sang theo dõi tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Để được phát hiện tim bẩm sinh ngay trong thai kỳ, sản phụ nên lựa chọn theo dõi tại cơ sở y tế uy tín. Đồng thời trong trường hợp em bé được chẩn đoán mắc tim bẩm sinh, sản phụ cũng nên lựa chọn cơ sở y tế có ê-kíp hồi sức sau sinh tốt, bảo đảm hồi sức kịp thời cho trẻ.
Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cập nhật trang thiết bị hiện đại cùng với đội ngũ bác sĩ đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao, thực hiện sàng lọc tim bẩm sinh từ giai đoạn trong thai kỳ tới sau sinh hiệu quả.
Với những trường hợp thai nhi có bệnh lý tim bẩm sinh, Trung tâm có kế hoạch theo dõi, quản lý thai theo từng trường hợp cụ thể cũng kế hoạch hồi sức sơ sinh, phối hợp cùng Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương, bảo đảm những chăm sóc y tế kịp thời và tốt nhất cho trẻ.