TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế |
Hiện nay, NHNN đang áp dụng hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng thương mại dựa trên năng lực, sức khỏe của từng ngân hàng cũng như mục tiêu tín dụng toàn ngành mỗi năm. Theo đó, có ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng 10%, có ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng 20-30%.
Thông thường, hạn mức này sẽ được NHNN đưa ra vào đầu năm và sẽ có thể điều chỉnh cho từng ngân hàng vào giữa năm, sau khi có kết quả kinh doanh 6 tháng.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện nhiều ngân hàng đã có đơn xin NHNN nới room tín dụng bởi mới 6 tháng nhưng tín dụng đã tăng trưởng tới 70% chỉ tiêu cả năm, trong khi thông thường 6 tháng cuối năm tín dụng sẽ còn tăng mạnh hơn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, hạn mức tín dụng đã được NHNN áp dụng năm 1994 nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng quá đà. Chính sách này đã bị bãi bỏ năm 1998.
Tuy nhiên, đến năm 2011, biện pháp hành chính này lại được NHNN tái sử dụng do tín dụng giai đoạn đó tăng truonwgr quá nóng, có những lúc tỷ lệ tín dụng/GDP lên tới 158%, dẫn tới không thể kiểm soát lạm phát.
TS. Cấn Văn Lực đề xuất, trong bối cảnh hiện nay, NHNN nên bãi bỏ biện pháp hành chính này, thay vào đó là biện pháp thị trường khác phù hợp hơn.
“Việc giao chỉ tiêu tín dụng đối với các nhà băng rõ ràng là một biện pháp hành chính. Chúng ta nên điều hành theo cơ chế thị trường, tức bỏ hạn mức này, thay vào đó sẽ kiểm soát chặt chẽ các nhà băng bằng hệ số an toàn vốn CAR. Bởi, tử số của hệ số này chính là vốn chủ sở hữu và mẫu số là tín dụng và đầu tư, theo đó, kiểm soát được hệ số này thì sẽ khả thi hơn và không mang tính hành chính quá nhiều”, ông Lực đề nghị.
Theo chuyên gia này, hiện các nước trên thế giới hầu như không áp dụng biện pháp hành chính này.