TS. Lê Minh Phiếu, Luật sư sáng lập và điều hành LMP Lawyers |
1.
Theo chia sẻ của TS. Lê Minh Phiếu, từ thời sinh viên, ông đã rất đam mê nghiên cứu luật và đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong 3 năm học chuyên ngành, ông đã làm 2 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có một đề tài được Đại học Luật TP.HCM trao giải Nhất và một luận văn bằng tiếng Pháp.
“Có thể nói, trong 3 năm đó, tôi chẳng làm gì ngoài nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện luật. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi có thêm một chặng đường dài làm luận văn thạc sĩ, rồi luận án tiến sĩ. Bây giờ đã là luật sư, doanh nhân, tôi vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê này. Tôi rất vui vì giờ đây, những ý kiến, đề xuất của mình được gửi trực tiếp đến các đại biểu Quốc hội”, ông Phiếu nói.
Ông Phiếu cho hay, pháp luật Việt Nam thuộc hệ thống dân luật, chủ yếu dựa theo luật thực định, tức là luật được ban hành để dự liệu những tình huống xảy ra trong tương lai. Vì vậy, sẽ rất phổ biến khi một vấn đề xảy ra trên thực tế chưa được luật dự liệu hoặc dự liệu chưa đầy đủ. Khi đó, yêu cầu của người dân và doanh nghiệp không được giải quyết, cơ quan nhà nước lúng túng, ảnh hưởng vô cùng lớn đến nền kinh tế.
Với 21 năm hành nghề luật, ông có kinh nghiệm sâu sắc từ việc làm luật sư nội bộ tại một tập đoàn của Nhật Bản, cũng như tại những công ty luật quốc tế hàng đầu.
Ông đã tư vấn cho những tập đoàn xuyên quốc gia có trụ sở tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, cả những công ty niêm yết và công ty gia đình của Việt Nam.
Trước khi thành lập LMP Lawyers, ông đã làm việc tại một hãng luật lớn nhất của Nhật Bản và đã tư vấn cho những tập đoàn đa quốc gia với yêu cầu chất lượng khắt khe, kỳ vọng cao.
Năm 2023 được xem là năm đột phá về cải cách thể chế và hoàn thiện pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, vừa qua, đã có 16 luật sửa đổi được thông qua, trong đó có Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà đất (sửa đổi) - các luật tác động lớn đến thị trường bất động sản, từ đó tạo động lực cho nền kinh tế tiếp đà tăng trưởng.
Trong năm 2024, dự kiến có những dịch chuyển của thị trường bất động sản để tạo đà phát triển ổn định từ năm 2025 trở đi. Tuy nhiên, sau khi luật mới ban hành, sẽ có nhiều quy định chưa rõ ràng và chồng chéo. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
2.
Bên cạnh việc đóng góp ý kiến để góp phần lấp những “lỗ hổng” mà pháp luật chưa dự liệu, vị “thuyền trưởng” LMP Lawyers cũng rất “mát tay” khi đã tư vấn thành công rất nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, một thương vụ trong lĩnh vực logistics đã để lại cho ông nhiều ấn tượng do cấu trúc giao dịch khá phức tạp.
Cụ thể, bên mua đã có một công ty logistics tại Việt Nam, muốn giữ công ty này và muốn mua lại 51% vốn của một công ty khác tại Việt Nam. Như vậy, công ty hiện có của bên mua chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của công ty mục tiêu và sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho bên bán - vẫn giữ 49% cổ phần sau giao dịch.
Để tránh xung đột lợi ích, TS. Lê Minh Phiếu đã tư vấn để bên bán cùng với việc bán 51% cổ phần, thì cũng mua lại 49% cổ phần của công ty bên mua. Như vậy, cơ cấu sở hữu của hai bên tại hai công ty là giống nhau, giải quyết được vấn đề xung đột lợi ích giữa các cổ đông, tạo nền tảng cho sự cộng hưởng của hai bên sau giao dịch.
Với kinh nghiệm của mình, TS. Lê Minh Phiếu nhận xét, đặc điểm của các thương vụ M&A thời gian gần đây đã có nhiều thay đổi so với trước kia. Đầu tiên là sự khác biệt giữa bên bán và bên mua trong việc định giá công ty mục tiêu.
Trong giai đoạn Covid-19, việc kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dẫn đến kết quả đạt được thấp hơn các năm trước hoặc không như kỳ vọng. Sau đại dịch, nền kinh tế lại chịu nhiều tác động dẫn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không được tốt.
Khi xác định giá trị doanh nghiệp, bên bán thường mong muốn xác định dựa trên giả định là kinh tế không bị Covid-19 và doanh nghiệp không bị tác động của suy thoái kinh tế. Ngược lại, bên mua lại dựa vào kết quả kinh doanh thực tế.
Ngoài ra, với những biến động phức tạp của kinh tế thế giới và Việt Nam, việc dự phóng kế hoạch kinh doanh cũng khó đạt được tiếng nói chung, dẫn đến khó đạt được thống nhất trong xác định giá trị doanh nghiệp.
Thay đổi thứ hai trong các thương vụ M&A thời gian gần đây là các yêu cầu của bên mua về việc nâng cao quy trình kiểm soát nội bộ, quản trị đối với công ty mục tiêu. Bên mua đưa ra nhiều yêu cầu vô cùng nghiêm ngặt về kiểm soát nội bộ, quản trị công ty, làm cho quá trình đàm phán các điều khoản trong hợp đồng mua bán trở nên phức tạp và kéo dài.
3.
Theo bộc bạch của TS. Lê Minh Phiếu, LMP Lawyers không ngừng nỗ lực và luôn thay đổi để thích ứng với sự chuyển động của thị trường. Cụ thể, LMP Lawyers đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động nghiên cứu, tư vấn, rà soát và soạn thảo. Việc ứng dụng AI giúp ông và các cộng sự tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và nâng cao hiệu quả công việc.
Sự thay đổi chóng mặt của nền kinh tế thị trường trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều quan hệ pháp luật mới, nhiều hình thức giao dịch mới và phát sinh nhiều dạng tranh chấp mới. Việc này đặt ra nhiều thách thức cho các luật sư do phải luôn không ngừng cập nhật thông tin về quy định pháp luật mới và nhạy bén với các xu thế thị trường.
Do đó, LMP Lawyers luôn đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, khả năng thích ứng với thay đổi cho đội ngũ nhân sự. LMP Lawyers đã trang bị cho các luật sư các kiến thức và kỹ năng thông qua các buổi đào tạo nội bộ để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong tư vấn pháp lý, tư duy pháp lý, ứng dụng pháp luật vào giải quyết vấn đề, kỹ năng đàm phán và nắm bắt xu thế mới về công nghệ kỹ thuật.
“Mỗi nhân sự tại LMP Lawyers đều được tôi tuyển chọn và đào tạo bài bản. Yêu cầu của tôi đối với họ là phải đưa ra được giải pháp kỹ lưỡng trong thời gian nhanh nhất”, ông Phiếu nói.
Ngoài vai trò là Luật sư sáng lập và điều hành LMP Lawyers, TS. Lê Minh Phiếu còn giảng dạy chuyên đề cho các trường đại học. Chính quá trình giảng dạy và tiếp xúc với các bạn sinh viên đã mang lại cho ông nhiều nguồn cảm hứng mới, tiếp thêm cho ông nhiều động lực trên con đường hành nghề.
“Hình ảnh các sinh viên trẻ năng động, ham học hỏi, bền bỉ, kiên trì và không ngại đối đầu với những thách thức luôn gợi lên trong tôi ký ức về chính mình trước đây. Sự đam mê của các bạn đối với nghề luật cũng là động lực bổ sung để tôi theo đuổi nghề”, TS. Phiếu tâm sự.
Ngoài những lúc làm việc tại LMP Lawyers và đứng lớp, TS. Lê Minh Phiếu còn dành thời gian để chơi thể thao. Các môn thể thao mà ông chọn đều đòi hỏi sức bền và khả năng chịu đựng cao, như chạy bộ, bơi lội và gym. “Việc tập luyện thường xuyên không chỉ giúp tôi tăng cường sức khỏe thể chất, mà còn thúc đẩy sự sản xuất các hormone giúp giảm căng thẳng”, ông Phiếu cho biết.
Ngoài ra, ông cũng rất thích chơi cờ vua. Khi bắt đầu ván chơi, hai đấu thủ có số lượng quân cờ giống nhau, nhưng sau vài nước đi, thì tình thế của hai bên khác nhau rất nhiều và một sơ suất hay sai lầm nhỏ là có thể dẫn đến thua cuộc. “Trong công việc cũng vậy, mỗi nước đi đều phải tập trung, tỉ mỉ để dự đoán mọi hướng đi của đối thủ, từ đó có chiến lược phù hợp”, ông Phiếu chia sẻ.