Phát biểu tại tọa đàm "Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng" do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 23/4, TS Trần Du Lịch cho hay, nhu cầu nguồn vốn xây dựng hạ tầng của TP.HCM là cực kỳ lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách TP.HCM là không thể làm được. Do đó, Thành phố rất cần và mong muốn huy động được nhiều nguồn.
TS Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, không chỉ hạ tầng giao thông mới là vấn đề bức xúc nhất của TP.HCM, mà hạ tầng xã hội cũng rất bức xúc. Do vậy, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM thu hút đầu tư theo hình thức PPP chính là để giải quyết bức xúc này.
"TP.HCM đề xuất Nghị quyết 98 hướng đến việc tạo cơ chế để TP.HCM có thể huy động được nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế - xã hội, mà không “xin” Trung ương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách", TS Lịch nói.
TS Trần Du Lịch |
Theo đó, Nghị quyết 98 quy định 4 nguồn lực cho TP. HCM: Một là tăng vay, từ 70 lên 120%, trong đó có trái phiếu, nhưng riêng trái phiếu quốc tế thì phải xin cơ chế, TP.HCM chưa làm được ngay; trái phiếu trong nước thì làm được ngay. Hai là hướng tới huy động quỹ đất đô thị theo hướng giao thông công cộng TOD. Hiện TP.HCM đang triển khai được một số dự án. Ba là TP.HCM sử dụng hiệu quả nhà cửa công sản dôi dư, là nguồn rất lớn. Bốn là cho TP.HCM cho một số loại thuế, phí đặc thù để tăng thu.
Thế nhưng, nhìn qua nhìn lại, đến nay tất cả nguồn này đều đang trên bàn tính toán, chưa lấy được vốn. Riêng dòng kiều hối,TS Lịch cho hay, tới nay chúng ta cũng mới ước lượng, muốn nắn dòng nhưng cũng chưa đo đếm được. "Dù chưa đo đếm được hết, nhưng dù sao người nhận kiều hối cũng sử dụng vào mục đích có lợi nhất. Vấn đề quan trọng là nắn dòng là nắn gì để người ta thấy lợi hơn, tốt hơn, an toàn hơn, thì kiều bào mới đưa tiền vào", TS Lịch nói và cho rằng, với dòng kiều hối có 2 kênh huy động: trái phiếu công trình và trái phiếu dự án.
Tuy nhiên, TS Lịch lấy hình ảnh thị trường bất động sản Việt Nam “méo mó” cũng vì không phát triển các quỹ đầu tư để người dân bỏ tiền vào, mà nhà nhà người người đi kinh doanh bất động sản. Từ đó, dẫn đến câu chuyện phát triển hạ tầng, không thể lấy kiều hối từng gia đình, mà phải có định chế để đưa tiền vào. Như metro, có thể chọn 1 dự án để phát hành trái phiếu dự án đó, để người Việt, kiều bào có thể mua được trái phiếu dự án đó.
Kênh thứ hai theo TS Lịch là phát hành trái phiếu đô thị. Loại trái phiếu này được bảo đảm bằng ngân sách Thành phố, cũng rất an toàn, giống như trái phiếu Chính phủ. Nếu ngân hàng nhà nước cho phép loại trái phiếu này được lưu chuyển, giao dịch trên thị trường như trái phiếu Chính phủ thì người dân sẽ lựa chọn. Đây là một kênh cho kiều hối chảy vào.
Ngoài ra, các dự án lớn thì Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM (HIFIC) với chức năng công ty đầu tư tài chính nhà nước có thể lập quỹ đầu tư cho từng dự án với nhiều nguồn huy động, trong đó có nguồn kiều hối. Điều đầu tiên mà nhà đầu tư kiều hối cần đảm bảo là hoàn toàn an toàn cho người đầu tư, tiếp đến mới là tỷ lệ sinh lời. Tiếp đó là tạo được thanh khoản có thể giao dịch, chuyển nhượng.
TS Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ mà phải qua các định chế, với vai trò khởi xướng của nhà nước, đảm bảo an toàn để thu hút kiều hối”. Ông đề nghị Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, từ kết quả tọa đàm này, cố gắng đề xuất thí điểm một số định chế như trên, trong đó nhấn mạnh vai trò của HFIC phải là người mở đường, tiên phong.
Đồng thời nghiên cứu thêm, có nơi nào có dự án, công trình riêng lẻ cho đầu tư trái phiếu kiều hối hay không, là những “case study” để TP.HCM tìm hiểu thêm để việc đề xuất thêm thuyết phục. Cố gắng năm tới có được 1-2 dự án công trình để làm thí điểm. “Cố gắng để từ năm 2025 trở đi có được 1-2 dự án như vậy để tạo được nền tảng cho bước đường dài hơn cho thành phố sau này”, TS Lịch nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, quý I/2024, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,869 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây.
Đây mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây (quý I/2023 kiều hối tăng 19,4%; năm 2022 tăng 14,2%). So với tổng lượng kiều hối chuyển về năm 2023, kiều hối chuyển về thành phố quý I/2024 bằng 30,3%.
Trước đó, kết thúc thúc 2023, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Theo ông Lệnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tình hình lạm phát và xung đột leo thang, đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và các yếu tố tác động liên quan đến kiều hối, song lượng kiều hối chuyển về TP.HCM năm 2023 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.