Sáng 8/5, tại Hà Nội, Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2019 với chủ đề “Để ngân hàng Việt vươn xa” với sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế, ngân hàng.
Diễn đàn nhằm đánh giá những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian qua, trong đó có những điểm sáng trong điều hành lãi suất, tỷ giá, hoạt động tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu. Đồng thời phân tích cơ hội, thách thức hiện tại và tương lai, từ đó hoạch định chiến lược, chương trình hành động trong năm 2019 và giai đoạn tới, trong đó tập trung củng cố nội lực hệ thống ngân hàng, thảo luận tương lai phát triển của hệ thống ngân hàng với những xu hướng lớn như tín dụng xanh, ngân hàng số...
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Diễn đàn |
Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công của ngành Ngân hàng, với các thành tựu được Đảng, Nhà nước, các thành phần trong nền kinh tế, cũng như các tổ chức và các nhà đầu tư quốc tế ghi nhận.
Tháng 8/2018, Moody’s đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức “ổn định” lên mức “tích cực” phản ánh những cải thiện về chất lượng tài sản, thanh khoản ổn định, lợi nhuận của nhiều ngân hàng cải thiện.
Mới đây (5/4/2019), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P đã công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức BB- lên BB với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hàng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức B.
Đánh giá hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong 2018, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, điểm sáng của ngành ngân hàng trong năm 2018: ổn định vĩ mô lạm phát tăng trưởng; thứ hai lãi suất tỷ giá ổn định trong bối cảnh cuối 2017 đầu năm 2018, tỷ giá chịu áp lực lớn từ tình hình quốc tế lẫn một phần trong nước.
Điểm sáng nhất của NHNN, theo TS. Võ Trí Thành là điều hành chính sách tiền tệ thông minh, bơm hút tiền rất đúng, chuẩn; phối hợp với Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ nhuần nhuyễn hơn.
Năm 2018, NHNN đã khéo léo trong việc đáp ứng thanh khoản và ổn định lãi suất liên ngân hàng để bảo vệ tỷ giá nhưng không gây biến động tới lãi suất trên thị trường.
Theo ông Thành, có thể đánh giá trong năm qua, NHNN đã làm tốt vai trò trong ổn định chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng; xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo thông lệ quốc tế Basel 2. Nhưng khó khăn nhất là lành mạnh hoá ngân hàng và đáp ứng thông lệ tốt nhất.
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế (Ảnh: SaigonTimes) |
Phát biểu tại sự kiện, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Bước sang năm 2019, NHNN sẽ điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng và đồng bộ các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra.
Thứ hai, điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng.
Ngoài ra, trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu: NHNN xác định mục tiêu: Tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững…