M&A là một trong 6 xu hướng đầu tư - kinh doanh đáng chú ý
Đại dịch Covid-19 bất ngờ diễn ra từ đầu năm 2020 đã tác động toàn diện lên mọi mặt kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam. Tại buổi tọa đàm về chủ đề “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 12/11, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, có 6 xu hướng đầu tư kinh doanh mới trong và sau đại dịch.
Trong đó, xu hướng mua bán & sáp nhập dự báo sẽ tăng mạnh. Dịch Covid-19 khiến nhiều công ty phá sản, phải tái cơ cấu toàn diện, hoặc chứng kiến giá cổ phiếu giảm sâu, trong khi một số công ty tích trữ tiền mặt, hoạt động vẫn tốt và sẵn sàng mua lại các công ty khác. Trên thế giới, một số lĩnh vực chứng kiến xu thế M&A mạnh bao gồm ngành công nghiệp ô tô, bán lẻ, lưu trú, hàng không (hàng loạt các hãng hàng không đã tuyên bố phá sản tự nguyện hoặc nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
“Tại Việt Nam, các nhà đầu tư kền kền đã và đang tiếp tục hiện diện nhiều hơn, đặc biệt trong thời gian này và có thể trở lại mạnh mẽ như ở giai đoạn 2010-2012”, TS. Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV. Ảnh: Chí Cường |
Báo cáo hồi tháng 9 vừa qua của Euromonitor International mới đây cũng chỉ ra rằng, sau khi chững lại trong giai đoạn dịch Covid-19, dự báo hoạt động M&A Đông Nam Á sẽ tăng vọt vào năm tới, hơn cả Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, các quốc gia như Ấn Độ, Philippines và Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh (khoảng 26%), nhất là trong lĩnh vực dịch vụ truyền thông, mạng lưới phân phối, bán lẻ, bất động sản...
Kinh doanh số cũng là một trong các xu thế của giai đoạn mới từ cách thức vận hành của doanh nghiệp (như họp trực tuyến, làm việc tại nhà, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến, thương mại điện tử…) đến hoạt động tiêu dùng, ăn uống tại nhà, sử dụng dịch vụ giao thức ăn, trở thành thói quen trong “bình thường mới”. Theo TS. Cấn Văn Lực, người tiêu dùng cũng có xu hướng mua bán trực tuyến nhờ Covid-19 đã tăng 1,5 – 2 lần và bằng 5 năm trước cộng lại.
Cùng đó là xu thế thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Xu thế này cũng là chất xúc tác để các công ty đa quốc gia quyết định dịch chuyển đầu tư, cơ sở sản xuất của mình từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Thực tế, theo Tổ chức Xúc tiến Nhật Bản (JETRO), đã có khoảng 30 doanh nghiệp Nhật Bản công bố dự kiến rời Trung Quốc sang Đông Nam Á, 15 trong số đó sẽ sang Việt Nam.
Bài học nhãn tiền từ dịch Covid-19 cho thấy chính phủ, doanh nghiệp và người dân ngày càng quan tâm hơn đến chăm lo sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Nhiều nước đã bỏ ra hàng trăm triệu USD đầu tư phát triển y tế dự phòng, nghiên cứu và sản xuất vaccine, trang thiết bị y tế cùng với các chương trình bảo vệ môi trường trung – dài hạn. Các doanh nghiệp cũng tăng cường hoặc chuyển hướng đầu tư vào sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe và dược phẩm… Cùng đó, các thành phần trong nền kinh tế có xu hướng đầu tư vào những tài sản an toàn hơn hay các doanh nghiệp cũng sẽ có xu hướng cắt giảm chi phí và nhân sự.
Bối cảnh thế giới cũng ghi nhận nhiều thay đổitừ xu hướng toàn cầu hóa, liên kết kết kinh tế thay đổi cấu trúc lại chuỗi cung ứng và đầu tư nhất là việc hồi hương của nhiều doanh nghiệp. Việc thay đổi chính sách tài chính và tiền tệ cũng trực tiếp tác động đến môi trường đầu tư. Chính sách tiền tệ và tài khoản của các nước trên thế giới đã bơm ra bình quân 12,5% GDP. Việt Nam bơm 3% GDP giúp thanh khoản rất dồi dào và là một trong các nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán toàn cầu tăng và thu hút số lượng lớn các nhà đầu tư mới.
5 nhóm cơ hội đầu tư kinh doanh
Bối cảnh dịch bệnh hiện nay và sau đại dịch Covid-19 cũng đã và đang tạo ra nhiều xu hướng và cơ hội đầu tư – kinh doanh mới trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Tận dụng tốt điều này sẽ giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt biến “nguy” thành “cơ” trong bối cảnh “bình thường mới” trong và sau đại dịch.
5 nhóm cơ hội đầu tư - kinh doanh quan trọng trong thời gian tới được TS. Cấn Văn Lực gợi ý. Thứ nhất, cơ hội đầu tư – kinh doanh số. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã và đang tổ chức hoạt động, kinh doanh trên nền tảng tự động hóa, phát triển tài chính số, ngân hàng số, Fintech, thương mại điện tử, đào tạo trực tuyến, thanh toán điện tử (gồm cả mobile money), giải trí số, làm việc từ xa (tại nhà), khám chữa bệnh từ xa, định vị hành trình cá nhân…v.v. Theo đó, các dịch vụ hỗ trợ sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh như kho vận (logistics), giao hàng nhanh (fast shipping), đóng gói, cung ứng nền tảng (platforms), livestream sự kiện, an ninh mạng, phân tích dữ liệu, tư vấn phát triển kinh doanh số…
Cơ hội từ xu thế tăng đầu tư công, nhất là đầu tư giải quyết an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, hạ tầng ICT, dịch vụ y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu… cũng có thể tạo nên cơ hội đầu tư. Những khoản đầu tư này đang được các nước quan tâm thực hiện vì hoạt động vừa có tác động tích cực ngắn hạn (thúc đẩy tăng trưởng) cũng như tạo tiền đề phát triển lâu dài. Những bên có liên quan đến mảng đầu tư này như nhà tài trợ, doanh nghiệp tham gia (cả Nhà nước, tư nhân và FDI), định chế tài chính, tổ chức tư vấn, địa phương…v.v. đều là những người hưởng lợi từ xu thế này.
Thứ ba là cơ hội đầu tư – kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe, dược phẩm, sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường đã và đang mở rộng hơn. Cơ hội này đã có được trong những năm gần đây và dịch bệnh lại càng thúc đẩy nhu cầu thiết yếu này.
Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đã và đang diễn ra ít nhất khoảng 1-3 năm cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp. Cuối cùng, nhà đầu tư có nhiều cơ hội để xem xét đầu tư chứng khoán và bất động sản. Mặc dù đây vẫn được xem là những kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ hay gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng đi kèm với rủi ro luôn là lợi nhuận.