Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways công bố lịch bay quốc tế
Lịch mở lại các đường bay quốc tế của các hãng hàng không dự kiến từ ngày 1/1/2022. |
Từ ngày 1/1/2022, Vietnam Airlines sẽ khai thác các chuyến bay hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia. Đây là giai đoạn 1 của kế hoạch nối lại các đường bay. Giai đoạn này dự kiến chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, khoảng hai tuần.
Vietnam Airlines sẽ mở bán vé sau khi có phê duyệt của nhà chức trách. Giai đoạn hai, Vietnam Airlines lên kế hoạch khôi phục thêm các đường bay hai chiều giữa Việt Nam và Anh, Pháp, Đức, Nga, Australia, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia.
Vietjet Air cũng thông báo dự kiến khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế từ ngày 1/1/2022, bao gồm các đường bay kết nối Hà Nội và TP.HCM với Tokyo (Narita, Nhật Bản), Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Singapore và Bangkok (Thái Lan) ngay từ đầu tháng 1/2022.
Bamboo Airways cũng sẽ khai thác quốc tế trở lại từ đầu năm 2022. Từ tháng 1/2022 Bamboo Airways có kế hoạch khai thác đường bay thẳng thường lệ hoặc thuê chuyến Hà Nội - Narita với tần suất 1 chuyến/tuần, Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) và Hà Nội - Seoul (Hàn Quốc) ngay khi các điều kiện cho phép theo phê duyệt của Chính phủ.
T&T Group và YCH khởi công 'siêu cảng' logistics thông minh ASEAN
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc dự kiến đi vào vận hành giai đoạn 1 từ quý III/2022 |
Tập đoàn T&T Group và YCH – tập đoàn hàng đầu thế giới về logistics đã khởi công Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Với tổng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng, diện tích 83 ha, ICD Vĩnh Phúc được coi là siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh ASEAN trong hệ thống cảng cạn và trung tâm logistics Việt Nam giai đoạn 2020, định hướng tới năm 2030.
“Siêu cảng” có chức năng tích hợp của trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và cảng cạn (Inland Container Depot – ICD) để phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.
Theo kế hoạch, dự án sẽ đưa vào vận hành khai thác giai đoạn 1 từ quý III/2022 và đưa giai đoạn 2 vào vận hành từ quý IV/2024.
Vingroup huy động khoản vay hợp vốn xanh 400 triệu USD
Tập đoàn Vingroup vừa huy động thành công khoản vay hợp vốn xanh đầu tiên trị giá 400 triệu USD, nhằm phát triển VinFast và các công ty thành viên.
Đây là giao dịch vay hợp vốn xanh đầu tiên, và là giao dịch huy động vốn vì mục đích phát triển bền vững thứ hai của Vingroup.
Khoản vay hợp vốn này, theo Vingroup, sẽ được VinFast và các công ty thành viên sử dụng để phục vụ nhu cầu phát triển xanh, bền vững theo các khung tài chính bền vững đã được Vingroup công bố vào tháng 9/2021.
Các ngân hàng bảo lãnh thu xếp vốn cho giao dịch bao gồm BNP Paribas, Cathay United Bank, Credit Suisse, HSBC, Maybank và Taipei Fubon. Trong đó, Credit Suisse là ngân hàng đại lý và BNP Paribas, HSBC đóng vai trò ngân hàng đồng tư vấn cho giao dịch.
Trước đó, vào tháng 9/2021, Vinpearl, thành viên của Vingroup, đồng thời là nhà phát triển và vận hành dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, đã phát hành 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu.
Gạo ông Cua ST25 được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu ở EU và Anh
TS. Hồ Quang Cua, cha đẻ của Gạo ST25 và sản phẩm Gạo ông Cua |
EU và Anh đã cấp bằng bảo hộ thương hiệu "gạo ông Cua". Trao đổi trên báo chí, ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của Gạo ST25 cho biết, ông đã gửi hồ sơ được 5 tháng và rất nhanh nhận được kết quả. Hiện ông đã làm hồ sơ, thủ tục xin cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Australia, Trung Quốc đại lục, Hong Kong
Lý giải về việc này, ông Cua cho rằng đây là cách để ông bảo vệ thương hiệu gạo không chỉ của gia đình ông mà cho cả Việt Nam.
Tại thị trường Việt Nam, ông cũng đã gửi hồ sơ và làm các thủ tục gửi Cục Sở hữu Trí tuệ, nhưng đã 7 tháng chưa thấy phản hồi. Riêng việc đăng ký chữ "ST" cho sản phẩm gạo thơm, ông Cua đã gửi hồ sơ 18 tháng.
"Tôi biết dịch bệnh phức tạp khiến các hoạt động của nhà chức trách gặp khó. Tuy nhiên, tôi mong cơ quan chức năng xem xét sớm để giúp giảm tình trạng làm giả thương hiệu", ông Cua nói.
Gạo ST24, ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo. Gạo ST25 đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines năm 2019 và giải nhì năm 2020 trong cuộc thi ở Mỹ.
Từ đó, một số số doanh nghiệp nước ngoài, gồm cả ở Mỹ, Australia đã nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25. Tình trạng doanh nghiệp tự ý gắn mác "gạo ngon nhất thế giới" trên sản phẩm bán ra thị trường Việt Nam đang khá phổ biến…
Xe hàng ùn ứ ở cửa khẩu, doanh nghiệp mong Chính phủ trao đổi cấp cao
Hàng ngàn container hàng ùn ứ tại các cửa khẩu với Trung Quốc |
Hàng ngàn container ùn ứ trung tại các cửa khẩu với Trung Quốc nhiều ngày do quyết định thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của nước này theo chiến lược "zero Covid".
Hàng tồn chủ yếu là nông, lâm, thủy sản, chiếm tới 80-90%. Các doanh nghiệp lo ngại, với thời gian thông quan lên đến 20-30 ngày như hiện nay, hàng hóa sẽ không còn khả năng tiêu thụ. Hiệp hội Rau quả Việt Nam ước tính thiệt hại lên đến 2.000 tỷ đồng (trung bình 500 triệu đồng/1 xe x khoảng 4000 xe hàng), chưa kể chi phí vận chuyển (trung bình 100 triệu/1 xe với tình hình ách tắc hiện tại).
Tốc độ thông quan chậm còn ảnh hưởng tới nhiều mặt hàng xuất, nhập khẩu khác, đặc biệt là hàng linh kiện điện tử, hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước (như lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ với ván bóc, gỗ bóc…), mà hiện các doanh nghiệp đang rất cần để gấp rút hoàn thành các đơn hàng đã ký dịp cuối năm.
Một số tập đoàn sản xuất hàng điện tử lớn nhất Việt Nam cho biết, do linh kiện không thể nhập về qua cửa khẩu đường bộ theo kế hoạch mà lại không thể dừng dây chuyền sản xuất nên các doanh nghiệp đã phải ứng phó tạm thời bằng cách chuyển sang các phương thức vận chuyển khác tốn kém hơn như đường hàng không với chi phí đắt hơn 76% (chưa tính phụ phí dịch bệnh 15%)…
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, trong khi các cuộc đàm phán cấp địa phương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa thể giải quyết được vướng mắc, Ban này đề xuất Chính phủ xem xét tiến hành một cuộc trao đổi cấp cao hơn để cùng nhận diện nút thắt và có giải pháp khẩn trương giải phóng lượng hàng hóa và xe tồn.
“Chúng tôi mạnh dạn đề xuất có thể Chính phủ ưu tiên tiến hành một cuộc đàm phán cấp cao. Về nội dung của đàm phán nếu có, có thể xem xét đàm phán tách cửa khẩu mà xuất nhập các mặt hàng nông sản với cửa khẩu xuất nhập mặt hàng phục vụ những mảng như: linh kiện điện tử, hay nguyên phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong nước”, Ban VI gửi đề xuất Thủ tướng Chính phủ.