Mục tiêu lợi nhuận tăng 18%, chia cổ tức 4%
TTC AgriS đã thực hiện công bố thông tin về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2022-2023, dự kiến tổ chức vào ngày 26/10/2023 tại trụ sở chính Tây Ninh.
Niên độ 2022-2023, doanh thu thuần của SBT đạt 24.743 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, trong đó đường vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất 92%.
Tuy nhiên, lãi trước thuế lại giảm 31% xuống còn 719 tỷ đồng và chỉ đạt hơn 83% kế hoạch lợi nhuận cả niên độ (850 tỷ đồng). Lãi ròng giảm tới 39% về mức 537 tỷ đồng, chủ yếu do ảnh hưởng từ mặt bằng lãi suất thị trường cũng như chi phí lãi vay tăng mạnh.
Công ty cũng dự kiến chia cổ tức niên độ 2022-2023 với tỷ lệ 4% bằng tiền mặt và/hoặc bằng cổ phiếu, tương ứng tổng chi 296 tỷ đồng. Bước sang niên độ 2023 - 2024, tỷ lệ dự kiến từ 5% - 7%/mệnh giá.
Đồng thời, Công ty sẽ chia cổ tức cổ phiếu ưu đãi với mức cổ tức cố định là 5.5%/năm trong 1,5 năm đầu tiên, các năm tiếp theo sẽ theo thỏa thuận giữa công ty và Quỹ đầu tư của Chính phủ Đức (DEG), nhưng không vượt quá 12%/năm (đã bao gồm cổ tức đã trả trước đó).
Trong trường hợp lợi nhuận trước thuế vượt hơn so với kế hoạch, trích thưởng 5% của phần lợi nhuận trước thuế vượt so với kế hoạch cho HĐQT và Ban quản lý Công ty.
Bước sang niên độ 2023-2024 (từ ngày 01/07/2023 - 30/06/2024), TTC AgriS dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ đường của Công ty sẽ giảm nhẹ và giữ vững thị phần ở các phân khúc kinh doanh.
Dự báo giá đường nội địa có thể tiếp tục tăng nhẹ cùng với đà tăng mạnh của giá đường thế giới, cũng như khả năng kiểm soát đường nhập lậu thời gian tới.
Đối với các chỉ tiêu tài chính, SBT đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất giảm 17% so với cùng kỳ xuống còn 20.622 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi trước thuế kỳ vọng tăng 18% lên mức 850 tỷ đồng.
Theo báo cáo của ban điều hành Công ty, hiện tượng El Nino diễn ra sớm hơn so với dự báo trước đây là quý III/2023 ở châu Á và đầu quý IV ở châu Âu, điều này cho thấy dự báo sản lượng sụt giảm, thiếu hụt nguồn đường niên độ 2023 - 2024 có khả năng xảy ra rất cao ở các thị trường lớn như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc.
Để đảm bảo nguồn cung nội địa, Ấn Độ đã có kế hoạch cấm xuất khẩu đường bắt đầu từ tháng 10/2023, động thái này diễn ra trong bối cảnh tình trạng thời tiết không thuận lợi làm giảm năng suất mía. Bên cạnh đó, giá dầu thô ở mức cao sẽ tác động đến việc chuyển hướng mía sang sản xuất Ethanol, đặc biệt tại Brazil.
Năm 2024, giá đường thế giới dự báo sẽ khó thấp hơn 20 - 21 cent/pound (mức đỉnh vào tháng 4/2023 là 27 cent/pound). Đối với thị trường trong nước, ban lãnh đạo TTC AgriS cho biết giá đường nội địa vẫn tiếp tục tăng nhẹ cùng với đà tăng mạnh của giá đường thế giới, cũng như khả năng kiểm soát đường nhập lậu thời gian tới.
Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại, chính sách chống trợ cấp chống bán phá sẽ góp phần gia tăng lợi thế cho sản phẩm đường nội địa. Điều này giúp nông dân an tâm phát triển vùng nguyên liệu và hạn chế tình trạng mất giá sau vụ thu hoạch.
M&A công ty con, phát hành 37 triệu cổ phiếu ESOP
Cũng tại ĐHĐCĐ kỳ này, Công ty cũng đề xuất phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động của Công ty (ESOP) với tỷ lệ 5% tổng số lượng cổ phiếu phổ thông đang lưu hành nhằm tạo động lực, khuyến khích người lao động gắn bó, tạo sự gắn kết bền vững giữa Công ty và người lao động, từ đó tạo nguồn lực cho những bước chuyển dịch quan trọng của Công ty.
HĐQT của TTC AgriS cũng dự kiến trình cổ đông phương án phát hành 37 triệu cổ phiếu ESOP (tương ứng 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) cho các thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc, nhân viên chủ chốt.
Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 26% so với giá SBT chốt phiên 6/10 là 13.550 đồng/cổ phiếu. Thời gian phát hành trước 30/6/2024. Số vốn thu được sẽ dùng bổ sung hoạt động kinh doanh của công ty.
Trước đó, ngày 3/10, HĐQT SBT còn công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua phương án phát hành hơn 148,1 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tương ứng 20% số cổ phần đang lưu hành.
Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, số tiền dự kiến huy động được hơn 1.777 tỷ đồng, SBT sẽ dùng toàn bộ để bổ sung nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Một tờ trình khác liên quan đến việc nhận sáp nhập công ty con cũng được HĐQT TTC AgriS trình cổ đông trong kỳ đại hội lần này.
Cụ thể, TTC AgriS dự kiến sáp nhập Công ty TNHH MTV Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa. Công ty bị sáp nhập có vốn điều lệ hơn 1.116 tỷ đồng, do TTC AgriS nắm 100% vốn điều lệ. Địa chỉ trụ sở công ty con này trùng với địa chỉ của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) tại quận Tân Bình, TP.HCM.
Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa đang sở hữu các tài sản: hơn 4,3 triệu cổ phần do CTCP Đường Biên Hòa - Phan Rang phát hành trị giá hơn 85 tỷ đồng, 100% vốn góp tại Công ty TNHH Đường Biên Hòa - Ninh Hòa trị giá gần 1.031 tỷ đồng.
Tài sản sáp nhập này sẽ được chuyển đổi thành tài sản của TTC AgriS theo đúng thủ tục pháp luật. Thời gian thực hiện trước 30/6/2024.
Công ty bị sáp nhập không phát hành bất kỳ trái phiếu, nghĩa vụ tài chính nào nên không phát sinh thủ tục chuyển giao trái phiếu, nghĩa vụ tài chính của công ty bị sáp nhập cho TTC AgriS.
Tháng 6/2023 vừa qua, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) cùng tham gia tài trợ vốn thương mại cho TTC AgriS, tổng mức tài trợ khoản vay vốn lưu động với quy mô 40 triệu USD.
Thỏa thuận tài trợ vốn thương mại cho TTC AgriS nằm trong khuôn khổ chương trình tài trợ kho hàng toàn cầu (GWFP) của IFC. Theo đó, TTC AgriS là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam mà IFC quan tâm và ưu tiên hợp tác lâu dài trong Chương trình Tài trợ này.
Tháng 7/2023, TTC AgriS tiếp tục chính thức ký kết nhận khoản vay lên đến 100 triệu USD với nhóm 9 các định chế tài chính Đài Loan, trong đó First Commercial Bank (FCB) - Ngân hàng lớn thứ 3 của Đài Loan sẽ đóng vai trò Lead Bank (Ngân hàng đầu mối thu xếp và quản lý chính khoản vay hợp vốn).
Đây là khoản vay không tài sản đảm bảo, với tư cách là bên thu xếp, đứng ra quản lý chính cho khoản vay này, FCB cho biết, các bên cho vay kỳ vọng liên tục tái cấp vốn cho TTC AgriS trong vòng 3 năm.
Thị trường đường thế giới chứng kiến những sự thay đổi khó lường, nhiều quốc gia đã thực hiện chính sách kiểm soát thị trường lương thực như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan,… khiến sản lượng đường xuất khẩu bị sụt giảm, cung cầu mất cân bằng.
Động thái tạm dừng xuất khẩu của Ấn Độ diễn ra lần đầu tiên sau 7 năm, trong bối cảnh tình trạng thiếu mưa làm giảm năng suất mía. Lo ngại về nguồn cung khan hiếm đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu khiến giá đường tiếp tục neo ở mức cao nhất 10 năm.
Vùng nguyên liệu mía của TTC AgriS tại Tully, bang Queensland, AustraliaSở hữu lợi thế vùng nguyên liệu 70.000 ha ở 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Úc, TTC AgriS có thể duy trì được nguồn cung ổn định, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tăng cao của thị trường trong thời gian sắp tới.
Trong chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 của mình, TTC AgriS đặt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc lên đến 20.000 ha, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu đạt gần 90.000 ha.