Quốc lộ 5 nhanh xuống cấp do xe nhiều quá tải. Ảnh minh họa: Việt Hà |
Theo thông tư của Bộ Tài chính, mức thu phí đường bộ quốc lộ 5 tại 2 trạm sẽ được điều chỉnh theo 2 giai đoạn. Theo đó, từ 1/12/2015 đến hết ngày 31/3/2016, mức phí một lượt cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 30.000 đồng, mức cao nhất với xe trên 18 tấn là 160.000 đồng. Từ sau 31/3/2016, mức tăng phí lên tương ứng 45.000 đồng và 200.000 đồng.
Từ đầu năm 2016, dự án nâng cấp quốc lộ 5 theo hình thức BOT sẽ được chuyển giao cho Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi). Nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí.
Theo một lãnh đạo Vidifi, mức thu hiện nay trên tuyến quốc lộ 5 chưa thay đổi qua 10 năm, nên việc điều chỉnh phí là phù hợp với lộ trình. Ngoài ra, đây là giải pháp nhằm tăng thêm nguồn thu, bảo đảm phương án tài chính cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Nếu doanh nghiệp này không được tăng phí quốc lộ 5, thì phương án tài chính cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có thể bị phá sản.
Cũng theo phương án tài chính của dự án được Thủ tướng phê duyệt, Vidifi được tăng phí theo thời gian như các trạm thu phí khác. Trong khi đó, phí đường bộ tại các tuyến quốc lộ đều đã điều chỉnh gấp 2-3 lần so với quốc lộ 5.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, việc tăng phí quốc lộ 5 có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp vì giá cước vận tải tăng. Song doanh nghiệp có thể cân đối chi phí vận tải khi thời gian lưu thông ngắn hơn, phương tiện tiêu hao ít nguyên liệu để đưa ra giá cước hợp lý. Do đó, vấn đề quan trọng là nhà nước kiểm soát tốt chất lượng các dự án BOT để chủ phương tiện không thiệt thòi khi phải đóng phí cao.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105km do Vidifi đầu tư được kỳ vọng giảm tải lưu lượng phương tiện trên quốc lộ 5. Hiện nay các nhà thầu đang gấp rút thi công bê tông nhựa tạo nhám tại các đoạn bù lún để chuẩn bị được thông xe toàn tuyến vào ngày 5/12 tới.