Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Thưa ông, kết quả thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết 77/NQ-CP đạt được thế nào?
Nhằm khuyến khích cơ sở giáo dục đại học công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và giảm chi cho ngân sách nhà nước, Nghị quyết 77/NQ-CP đã mạnh dạn trao cho các cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện về nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; chính sách học bổng, học phí đối với đối tượng chính sách; đặc biệt là được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và đầu tư, mua sắm.
Tổng cộng có 23 trường đại học thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP, hầu hết bảo đảm tương đối tốt toàn bộ hoạt động chi thường xuyên trong bối cảnh ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho 23 trường này giảm mạnh (mỗi năm giảm khoảng 100 tỷ đồng/trường). Khi được cởi trói, các trường đã mạnh dạn tạo ra nguồn thu để cải thiện thu nhập cho người lao động; có nguồn lực đầu tư cho hoạt động đào tạo, thu hút đội ngũ nhà khoa học có chuyên môn, trình độ tham gia nghiên cứu, giảng dạy; còn có nguồn để thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người học thông qua việc miễn, giảm học phí cho đối tượng chính sách, trích học bổng cho sinh viên học giỏi…
Tuy nhiên, cơ chế trao quyền “tự quyết” tối đa cho cơ sở giáo dục đại học vẫn còn nhiều bất cập, không đáp ứng được yêu cầu.
Bất cập ở những điểm nào, thưa ông?
Về tự chủ tổ chức bộ máy, việc vẫn duy trì chế độ cơ quan chủ quản (bộ, ngành, UBND cấp tỉnh) đã làm giảm hiệu quả hoạt động tự chủ và tính chủ động, sáng tạo trong quản trị, quản lý và tổ chức của đơn vị tự chủ. Nói chung, mặc dù được tự chủ, tự quyết, nhưng việc quyết định thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, giải thể; quy định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động vẫn phải tuân theo quy trình, thủ tục rất phức tạp. Ngay cả việc quyết định kéo dài thời gian làm việc đối với các giảng viên đến tuổi nghỉ hưu có kinh nghiệm, trình độ, năng lực, thâm niên, tâm huyết cũng không thực hiện được, vì vướng Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Cũng do vướng Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nên cơ sở giáo dục đại học tự chủ không thể tuyển dụng được chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực tham gia bộ máy quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng nguồn thu hợp pháp, tạo nguồn lực đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập của xã hội.
Ngoài vướng Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, cơ chế tự chủ còn vướng luật nào nữa?
Nghị quyết 77/NQ-CP cho phép đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ được quyết định dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà trường và các nguồn hợp pháp khác do nhà trường tự huy động. Trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực (ngày 1/1/2015), các đơn vị tự chủ, kể cả tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp không gặp vướng mắc về vấn đề đầu tư bằng nguồn vốn của mình. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2015, theo Luật Đầu tư công, thì vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước cũng được coi là vốn đầu tư công. Theo đó, vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trường đại học được trao quyền tự chủ 100% nói riêng đưa vào đầu tư phải tuân theo Luật Đầu tư công, tức là muốn đầu tư thì dự án phải có trong danh mục đầu tư công trung hạn đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua. Như vậy, quyền tự quyết trong đầu tư gần như không có.
Nếu còn nhiều vướng mắc như vậy, thưa ông, chắc không nhiều đơn vị sự nghiệp nói chung, lĩnh vực giáo dục đào tạo nói riêng muốn tự chủ, vì dù sao được ngân sách nhà nước bao cấp vẫn dễ sống hơn?
Đẩy mạnh xã hội hóa, mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công, trong đó có lĩnh vực giáo dục đại học, là chủ trương đúng đã được khẳng định trong nhiều nghị quyết của Đảng và gần đây nhất, Nghị quyết 19/NQ-TW (ngày 25/10/2017) đã nhấn mạnh đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài; đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp.
Để thực hiện chủ trương này, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, theo tôi, việc giao quyền tự chủ chỉ phân làm 3 loại (thay vì 4 loại như Nghị định 16/2015/NĐ-CP). Trong đó, đơn vị tự chủ 100% về tài chính được trao tối đa quyền hạn, trách nhiệm theo đúng tinh thần Nghị quyết 77/NQ-CP; trong khi đơn vị tự chủ một phần sẽ bị quản lý chặt chẽ về tài chính, đầu tư, mua sắm, tổ chức, bộ máy, biên chế… Như vậy sẽ khuyến khích các đơn vị tự chủ 100% vì trong hoạt động sự nghiệp, không ai muốn gò bó, không ai muốn bị quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chủ quản.