Điều khoản dự thảo chưa được thông qua
Tại dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2018/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến vào tháng 4/2021, lần đầu tiên cơ quan quản lý đề cập đến quy định liên quan đến việc giảm vốn điều lệ của NHTM cổ phần.
Dự thảo này bổ sung Điều 14a vào sau Điều 14 với nội dung quy định giảm mức vốn điều lệ của ngân hàng thương mại cổ phần thông qua việc mua lại cổ phần của cổ đông theo quyết định của ngân hàng, bao gồm danh sách hồ sơ đề nghị; trình tự, thủ tục chấp thuận; trình tự sửa đổi, bổ sung giấy phép.
Giảm vốn điều lệ đã trở thành quy định bắt buộc đối với các tổ chức khi thực hiện mua lại cổ phần từ các cổ đông sau khi Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp được ban hành và cùng có hiệu lực từ 1/1/2021.
Cụ thể, theo Luật Doanh nghiệp, cổ phần mua lại được coi là cổ phần chưa bán. Công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần mua lại trong thời hạn 10 ngày và tiêu hủy lượng cổ phiếu tương ứng. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc/ Tổng giám đốc phải liên đới chịu trách nhiệm về thiệt hại do không tiêu hủy hoặc chậm tiêu hủy cổ phiếu. Điều 36 Luật Chứng khoán quy định chi tiết về các điều kiện công ty đại chúng cần đáp ứng để mua lại cổ phiếu theo quyết định của công ty cùng các trường hợp không được phép mua lại cổ phiếu quỹ.
Theo quy định tại tại Luật Các tổ chức tín dụng, việc thay đổi mức vốn điều lệ là một trong các nội dung phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện các thủ tục thay đổi. Thông tư số 50/2018/TT-NHNN quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện quy định này tại Luật Các tổ chức tín dụng quy định tại thông tư. Gần nhất, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2018/TT-NHNN. Cả 8 điều khoản sửa đổi tại Thông tư 06 đều không liên quan đến quy định giảm vốn điều lệ.
Phải theo quy định chung
Trong khi quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục liên quan đến việc giảm vốn điều lệ tại các ngân hàng thương mại mới chỉ nằm trong bản dự thảo được cơ quan quản lý lấy ý kiến góp ý, hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) mới đây quyết định lấy ý kiến bằng văn bản về việc mua lại cổ phiếu quỹ.
VPBank dự kiến thực hiện lấy ý kiến ngay trong tháng 11. Nội dung chi tiết chưa được công bố. Tuy nhiên, theo quy định, nghị quyết đại hội đồng cổ đông sẽ cần nêu cụ thể về số lượng, thời gian thực hiện, nguyên tắc xác định giá mua lại.
Chia sẻ tại cuộc họp với các nhà đầu tư vào đầu tháng 11, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank cho biết, ngân hàng đánh giá mua cổ phiếu quỹ là một trong các công cụ hiệu quả trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều diễn biến tiêu cực thời gian qua. Thực tế, nhà băng này đã nhiều lần mua cổ phiếu quỹ. Tháng 10/2019, VPBank đã chi 1.110 tỷ đồng mua thêm 50 triệu cổ phiếu VPB, nâng lượng cổ phiếu mua lại lên hơn 123 triệu đơn vị.
Tuy vậy, kể từ năm 2021, chưa ngân hàng nào triển khai phương án mua cổ phiếu quỹ.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư liên quan đến quy định mua lại cổ phần, cổ phiếu của chính ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, ngân hàng phải thực hiện theo quy định chung của cả 3 luật là doanh nghiệp, chứng khoán và các tổ chức tín dụng.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 và 2020 đều quy định việc phải giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phần, nhưng lại “trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác”. Luật Chứng khoán năm 2006 trước đây không quy định phải giảm vốn, nên các công ty đại chúng có thể chưa phải thực hiện trên thực tế. Nhưng sau khi Luật Chứng khoán năm 2019 đã quy định rõ, việc mua lại cổ phiếu phải giảm vốn điều lệ thì ngân hàng buộc phải thực hiện điều này.
Có ít nhất ba vấn đề VPBank gặp vướng nếu tiếp tục muốn sử dụng nguồn vốn của VPBank mua lại cổ phiếu của chính ngân hàng ở thời điểm hiện tại.
Thứ nhất, để được giảm vốn điều lệ, ngân hàng phải trình trước tới Ngân hàng Nhà nước.
Dẫn lại Điều 57 Luật Các tổ chức tín dụng, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, các trường hợp mua lại cổ phần, cổ phiếu dẫn đến việc giảm vốn điều lệ của tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước bằng văn bản. Tuy nhiên, Thông tư số 06/2022/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 50/2018/TT-NHNN lại chỉ có 4 điều quy định về thủ tục tăng vốn, mà không quy định về việc giảm vốn điều lệ như từng đề cập ở Dự thảo sửa đổi. Việc một loạt chỉ tiêu an toàn vốn sẽ thay đổi vào thời điểm giảm vốn điều lệ có khả năng là nguyên nhân khiến nội dung này chưa được đưa vào thông tư.
Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, do chưa có quy định nên gần như không thể thực hiện được thủ tục hành chính bắt buộc trên. Vì vậy, khác với giai đoạn trước khi Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực từ năm 2021, ngân hàng thương mại chưa thể thực hiện được việc mua lại cổ phần, cổ phiếu nếu theo đúng quy định.
Trong trường hợp khoảng trống quy định chưa được bổ sung kịp thời, phương án mua lại cổ phiếu dẫn tới việc giảm vốn điều lệ ngân hàng sẽ khó “qua cửa” cơ quan quản lý.
Cùng đó, để mua cổ phiếu quỹ, VPBank sẽ cần bán hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng đối với lượng cổ phiếu quỹ còn lại (30,26 triệu đơn vị). Nguyên nhân bởi Nghị định 155 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán yêu cầu công ty không được mua lại cổ phiếu của chính mình cho đến khi hoàn thành việc xử lý số cổ phiếu quỹ đã mua.
Cũng theo quy định tại Luật Chứng khoán, công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu của chính mình khi vừa kết thúc đợt chào bán, phát hành cổ phiếu để tăng vốn không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Cùng đó, công ty không được tăng vốn trong 6 tháng kể từ ngày kết thúc mua cổ phiếu quỹ.
VPBank vừa kết thúc đợt phát hành chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 2:1 vào ngày 29/9. Như vậy, tới cuối tháng 3/2023, giao dịch mua lại cổ phiếu quỹ mới có thể thực hiện. Hơn nữa, các năm qua, VPBank đã liên tục mở rộng quy mô và gia tăng năng lực tài chính. Theo phương án đã được cổ đông thông qua, ngân hàng này còn kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho 1 nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ sở hữu sau phát hành tối đa là 15%. Việc giảm vốn điều lệ đi ngược lại chiến lược mở rộng và có khả năng kéo tỷ lệ sở hữu nước ngoài của ngân hàng vượt trần 30%.