. |
Đây là thực tế, bởi đang hừng hực khí thế sau một năm 2019 thành công toàn diện, thì kinh tế Việt Nam bất ngờ gặp “cú sốc” Covid-19 và ngay lập tức bị ảnh hưởng trong hầu hết lĩnh vực, từ du lịch, xuất nhập khẩu, đến sản xuất, tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế… Thẳng thắn mà nói, khi kinh tế Trung Quốc bị lao đao bởi Covid-19, thì kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng, song một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là Việt Nam.
Xin đơn cử một vài con số. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,5 tỷ USD hàng nông sản sang Trung Quốc, chiếm 24,56% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Với mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào, con số này là 8,7 tỷ USD (chiếm 24,66%); với sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện là 19,35 tỷ USD (21,26%)... Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện thậm chí còn chiếm tới 46,44% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu tới 24,35 tỷ USD sản phẩm đầu vào công nghiệp, chiếm 34,16% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Các con số đối với máy móc, thiết bị, là 16,87 tỷ USD (chiếm 38,62%); điện tử, điện thoại và linh kiện là 19,67 tỷ USD (chiếm 29,8%)...
Nếu phân lẻ từng ngành, thậm chí, Việt Nam nhập khẩu tới 58,3% vải các loại, 51,9% điện thoại các loại và linh kiện, 41,9% nguyên phụ liệu dệt may, da giày, 54,9% xơ sợi dệt các loại… từ Trung Quốc.
Phụ thuộc lớn như vậy, nên khi dịch bệnh xảy ra, doanh nghiệp trong nước muốn sản xuất thêm khẩu trang cũng khó vì thiếu nguyên liệu đầu vào. Hẳn nhiên, khi kết nối cung - cầu Việt - Trung bị gián đoạn bởi dịch cúm Covid-19, hoạt động xuất khẩu, sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và mục tiêu đạt mức tăng trưởng 6,8% năm 2020 gặp rất nhiều thách thức.
Chính các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cũng đã khẳng định, dịch Covid-19 khiến chúng ta ngày càng thấm thía rằng, sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường sẽ rủi ro như thế nào. Điều này được đề cập từ lâu, cũng có rất nhiều giải pháp được đưa ra, song từ nhiều năm qua và ngay cả khi đã có đề án về tự chủ kinh tế, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Bởi thế, một lần nữa, giống như câu chuyện “trong nguy có cơ”, “trong rủi có may” đã nhiều lần được nhấn mạnh, dịch Covid -19 sẽ tạo thêm động lực để Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, làm sao tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, làm sao để tăng tính tự chủ và tăng được sức đề kháng trước các cú sốc từ bên ngoài. Đó chính là “vaccine” mà nền kinh tế Việt Nam đang cần, tương tự như xã hội đang cần vaccine phòng dịch Covid-19.
Nhưng trong khi cần các giải pháp dài hơn, thì trước mắt, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định, cùng với phòng chống dịch, phải đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, dịch vụ… cần các giải pháp để chống virus của sự trì trệ. Và dù Chính phủ đã xác định là hy sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, nhưng điều đó không có nghĩa, Chính phủ chọn giải pháp “đóng cửa mọi thứ”. Thay vào đó, sẽ chọn giải pháp khó hơn, tức là làm sao vẫn duy trì điều kiện đi lại cho người dân, du khách, tiếp tục thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế, thương mại, song vẫn phải bảo đảm an toàn cho mọi người. Đó mới là hành động đúng trong bối cảnh hiện nay.