Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Trung tâm Điều độ hệ thống điện tại Tổng công ty Điện lực TP. HCM. |
Tự động hóa nuốt chửng việc làm?
Tự động hóa, số hóa doanh nghiệp không còn là vấn đề riêng có của các nền kinh tế hàng đầu thế giới mà với các nền kinh tế phát triển như Việt Nam thì tự động hóa, robot hóa không còn lạ lẫm, thậm chí doanh nghiệp trong nước đã chủ động chuyển đổi trước yêu cầu phát triển.
Trong nghiên cứu về chủ đề “Tương lai của việc làm: Tác động của vi tính hóa với việc làm?” học giả Frey, Carl Benedikt và Michael A. Osborne dự báo 70% số việc làm tại Việt Nam đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa, cao hơn so với các nước láng giềng Đông Á hay kể cả Đông Nam Á. Đặc biệt, người lao động không có kĩ năng, mới học hết tiểu học hay trung học là nhóm có nguy cơ mất việc cao nhất.
Quan điểm robot và máy móc tự động hóa sẽ “cướp” việc của người lao động vấp phải những phản bác rằng lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp đến nay (4.0) luôn đi kèm với lo ngại rằng con người thất nghiệp hàng loạt khi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất kinh doanh.
Nhưng thực tế cho thấy các tiến bộ kỹ thuật thường đem lại nhiều việc làm mới để tận dụng việc sử dụng máy móc, công nghệ và các tiến bộ khác.
Tự động hóa, số hóa không tiêu cực như “hố tử thần” nuốt chửng mọi công ăn việc làm. Không những vậy, nó có thể là yếu tố bổ trợ giúp nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa hoạt động của đơn vị, tổ chức.
Nghiên cứu của chuyên gia Eggelston và các cộng sự (2020) khẳng định rằng robot là công cụ hỗ trợ quan trọng cho y tá ở các bệnh viện Nhật Bản. Theo đó, robot, máy móc tự động giúp con người tiết kiệm sức lực trong các công việc đòi hỏi cao về thể lực, từ đó giảm bớt căng thẳng tâm lý và thể chất cho người lao động.
Còn nghiên cứu mới đây của Acemoglu và các cộng sự cảnh báo, doanh nghiệp lựa chọn áp dụng tự động hóa từ sớm thì có thể phát triển và tăng trưởng tốt, trái lại những doanh nghiệp thực hiện muộn hoặc không tự động hóa sẽ đứng trước nguy cơ bị đẩy khỏi thị trường, bởi quy luật thị trường là đào thải những lao động và doanh nghiệp có năng suất và chất lượng thấp.
Doanh nghiệp “ngoại” mạnh tay hơn
Từ kết quả điều tra đặc biệt về việc tự động hóa, số hóa của doanh nghiệp tại Việt Nam, GS. TS. Edmund J. Malesky của Đại học Duke (Mỹ) và các cộng sự nhóm nghiên cứu PCI năm 2019 đi đến kết luận, tự động hóa đã trở nên phổ biến ở cả nhóm doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI.
Số hóa đã chứng minh là bước đi đúng đắn của các đơn vị phát triển bất động sản như Công ty CP Long Hậu. Nhờ sớm áp dụng mô hình tham quan thực địa khu công nghiệp trực tuyến, nên quý I/2020 khi dịch Covid-19 tác động đến hoạt động kinh tế trong nước, thì hoạt động kinh doanh của công ty này vẫn ổn định.
Tỷ lệ tự động hóa của doanh nghiệp tại Việt Nam. Nguồn: Báo cáo PCI 2019 |
Sự chủ động của doanh nghiệp được phán ánh rõ nét hơn khi có đến 2/3 trong tổng số 12.429 doanh nghiệp (gồm 8.773 doanh nghiệp dân doanh và 1.583 doanh nghiệp FDI) cho biết đã thực hiện tự động hóa một số công việc trong vòng 3 năm qua, còn 3/4 số doanh nghiệp này có kế hoạch tự động hóa một số công việc hiện tại hoặc dự kiến trong 3 năm tới, theo kết quả khảo sát PCI 2019.
Doanh nghiệp dân doanh đã tự động hóa khoảng 10% công việc trong 3 năm qua và có kế hoạch tăng tỷ lệ này lên khoảng 25% trong tương lai gần, trong khi đó tỷ lệ này của doanh nghiệp FDI có phần nhỉnh hơn với 10,6% và dự kiến nâng lên 28% trong thời gian tới.
Động cơ chính khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh tự động hóa là nhằm giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động mới, đồng thời gia nhập tốt hơn vào chuỗi cung toàn cầu. Riêng với doanh nghiệp FDI, một động cơ quan trọng khác là đối phó với nguy cơ đình công. Với doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc từng gặp phải đình công tại Việt Nam, tự động hóa được xem là biện pháp mang tính đề phòng nguy cơ đình công.
Mức độ tự động hóa ở các ngành nghề cũng rất khác biệt. Một số ngành như sản xuất hóa chất, thiết bị điện, máy tính và thiết bị điện tử và kim loại cơ bản trở thành đi đầu trong tự động hóa, ở cả doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI. Đối với doanh nghiệp FDI, sản xuất chế tạo là ngành dẫn đầu về tỷ lệ tự động hóa. Cụ thể, sản xuất thiết bị điện, máy tính và sản phẩm điện tử, đồ nội thất và chế biến thực phẩm là các ngành có tỷ lệ tự động hóa cao nhất trong 3 năm qua, với gần 15% công việc của doanh nghiệp FDI được tự động hóa.
Theo đánh giá của GS. Malesky, cách tiếp cận chính sách của Việt Nam về tự động hóa, số hóa hiện đang đi đúng hướng và cần được phát huy. Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, cao đẳng và đại học; đồng thời hoàn thiện các chương trình cải cách thông qua tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng.
Doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI được khảo sát đều có kế hoạch mở rộng đầu tư vào công nghệ, số hóa để tiết giảm nhân công và dịch Covid-19 là nhân tố thúc đẩy xu hướng này. Với hình như hiện nay, các chương trình đào tạo kinh doanh và quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid-19 là rất cần thiết, GS. Malesky lưu ý.