Doanh nghiệp
Tư duy lại tiêu chí DNNN
Khánh An - 24/05/2013 09:01
Việc xác định tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ trong doanh nghiệp (DN) sẽ không chỉ giới hạn ở phạm vi DN, mà có thể cụ thể tới phạm vi ngành, lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ, thậm chí là ở bộ phận, khâu, công đoạn.

Việc xác định tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ không dừng ở phạm vi quản lý, khai thác cảng biển loại I. Ảnh: Đức Thanh

Lúng túng tiêu chí

Không phải ngẫu nhiên, không khí Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về hoàn thiện tiêu chí danh mục, phân loại doanh nghiệp nhà nước - DNNN (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới - WB tại Việt Nam tổ chức hồi đầu tuần) khá trầm lắng.

Mặc dù nội dung thảo luận được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra khá rõ ràng, rằng Quyết định 14/2011/QĐ-TTg (QĐ 14) về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN có còn phù hợp với tình hình hiện tại không, có khó thực hiện không…, song có lẽ, việc thực thi quyết định này trên thực tế chưa thuận, khiến không ít người trong cuộc khó chia sẻ.

Theo kết quả khảo sát về tình hình sắp xếp DNNN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành với 23 đơn vị chọn mẫu (gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, bộ, ngành và địa phương), có tới 10% DN chưa được phân loại theo đúng tiêu chí. Trong số này, chưa tính tới các DN được phân loại đúng, song tỷ lệ vốn nhà nước trong các DN cổ phần hóa được duy trì cao.

“So với các đơn vị được khảo sát, Hà Nội và TP.HCM có mức độ tuân thủ khá thấp. Tại Hà Nội, Nhà nước vẫn giữ vốn điều lệ tại các DN quản lý và kinh doanh nhà, khai thác điểm đỗ xe. Trong khi đó, TP.HCM muốn giữ 100% vốn điều lệ tại DN công nghiệp, dịch vụ”, ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Hai địa phương này đều bị nhắc tên khi muốn nắm giữ trên 50% cổ phần tại các DN trong các ngành, lĩnh vực không thuộc diện nhà nước nắm cổ phần chi phối, như DN khai thác bến bãi đỗ xe, đại lý bán xe, quản lý bến xe, xếp dỡ hàng hóa hay sửa chữa công trình giao thông, san lắp mặt bằng… Thậm chí, nhiều DN chiếu phim, xây dựng, địa ốc, thương mại và du lịch của TP.HCM vẫn có trên 50% vốn cổ phần do Nhà nước nắm giữ.

“Nếu phân theo cơ quan quản lý, thì địa phương có số DN không tuân thủ QĐ 14 nhiều nhất, gồm 59 DN, chiếm 56% tổng số DN không tuân thủ”, ông Hùng phân tích và cho rằng, lý do Hà Nội và TP.HCM bị nhắc tên nhiều một phần do đặc thù là thành phố lớn, nên muốn giữ lại các DN có vị trí địa lý đắc địa, hoặc đóng góp nhiều cho ngân sách.

Có thể, đây là lý do khiến cả hai thành phố này đứng đầu về số DN muốn lùi cổ phần hóa sang sau năm 2015, cho dù nhiều DN trong số này thuộc diện phải hoàn tất cổ phần hóa trong giai đoạn 2012 - 2015 theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Làm rõ tư duy phân loại

Tạm để lại câu chuyện về tiến độ thực hiện việc thực hiện sắp xếp, đổi mới DNNN theo tinh thần của QĐ 14 mà Cục Quản lý DN nhận định là khá chậm, mới cổ phần hóa được 5 DN, thoái vốn tại 62 DN trong tổng số 909 DN, có vẻ như lý do để giữ lại DNNN hay sự chi phối của Nhà nước trong nhiều DN của Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác thể hiện khá rõ sự lúng túng trong thực hiện quyết định này.

Theo ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Đổi mới DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), ngoài những lấn cấn liên quan đến lợi ích, sự không thuận lợi của thị trường, tư duy tiêu chí và danh mục phân loại của QĐ 14 chỉ nhằm sắp xếp lại những DN hiện hữu, chưa hướng tới mục tiêu giám sát DNNN thành lập mới, sáp nhập lại... chi phối khá lớn việc thực hiện cải cách DNNN.

“Quan điểm của tôi là không duy trì tiêu chí sở hữu nhà nước một cách chung chung là các DNNN, mà cụ thể ở phạm vi ngành, lĩnh vực, phạm vi DN, phạm vi bộ phận, khâu, công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh…”, ông Cường đề nghị.

Với tư duy này, việc phân loại sẽ dựa trên cả tiêu chí mức sở hữu nhà nước và lĩnh vực duy trì sở hữu.

Cũng phải nói thêm, một số ngành, lĩnh vực theo QĐ 14 do Nhà nước nắm giữ 100% vốn cũng đã được đưa vào danh sách chuyển đổi, cổ phần hóa ngay trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Ví dụ, trong lĩnh vực quản lý, khai thác cảng biển loại I, Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng, Cảng Quảng Ninh, Cảng Quy Nhơn, Cảng Nha Trang, Cảng Cam Ranh, Cảng Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào diện cổ phần hóa do Vinalines nắm giữ 75% vốn điều lệ. Trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải, Công ty Dịch vụ và Vận tải biển Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm cổ phần hóa…

Trong khi đó, ở lĩnh vực công nghệ đang thay đổi khá nhiều nội hàm và khái niệm một số ngành như phát thanh, truyền hình, báo chí…

Chia sẻ với các đồng nghiệp Việt Nam, ông Deepak Mishra, Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng, theo thông lệ quốc tế, sở hữu nhà nước chi phối phụ thuộc vào một số tiêu chí như lĩnh vực độc quyền tự nhiên, tính chất kinh tế của các hoạt động hay khả năng tham gia của khu vực tư nhân. Mục tiêu để xác định tiến trình cổ phần hóa theo nguyên tắc vừa duy trì sự hiện diện của Nhà nước trong các ngành trọng yếu, thực hiện mục tiêu xã hội, vừa huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân. Việt Nam cũng đang đi theo hướng này.

Tuy nhiên, sự chậm trễ trong thực hiện cổ phần hóa DNNN của Việt Nam, theo ông Deepak Mishra, một phần lớn là do tiêu chí trong QĐ 14 chưa rõ ràng và nhất là tư duy tiếp cận từ dưới lên trong phân loại DN.

Tin liên quan
Tin khác