Đoàn công tác tỉnh Quảng Bình tham gia quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch tại Hoa Kỳ đầu tháng 1/2019. |
Tận dụng cơ chế chính sách
Nhận xét của PGS-TS Trần Đình Thiên là hoàn toàn chính xác. Để có thể dành ưu thế trong cuộc đua về thu hút đầu tư, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang cố gắng hết sức để tận dụng tất cả các lợi thế của mình, từ cơ chế chính sách, hạ tầng giao thông, quỹ đất, lịch sử… cho đến các mối quan hệ hiện hữu nhằm lôi kéo nhà đầu tư về với địa phương mình.
Ông Lê Đình Khánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh các hoạt động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các tổ chức xúc tiến quốc tế như Jetro, Kotra, Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, các tham tán đầu tư và thương mại Việt Nam ở các nước và vùng lãnh thổ, trong đó trọng tâm là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Thái Lan…
“Dự kiến, trong quý II/2019, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) để tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Seoul. Đồng thời, tỉnh sẽ phối hợp, tham gia cùng các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, tổ chức một số đợt xúc tiến đầu tư tại Thái Lan, Nhật Bản”, ông Khánh cho biết.
Riêng với Đà Nẵng, từ lâu thành phố này đã thực hiện công tác xúc tiến theo hướng chủ động “gõ cửa” nhà đầu tư. Hàng năm, lãnh đạo TP. Đà Nẵng thường xuyên có các chuyến đi xúc tiến đầu tư, gặp gỡ các doanh nghiệp lớn tại các quốc gia có triển vọng về khả năng kêu gọi đầu tư như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản. Thậm chí, để thuận lợi cho công tác xúc tiến đầu tư, Đà Nẵng đã mở văn phòng đại diện tại một số thành phố lớn tại Hàn Quốc và Nhật Bản, đây là 2 quốc gia có nhiều dự án đầu tư vào Đà Nẵng.
Bà Huỳnh Liên Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2019 của Thành phố là ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững. Đồng thời, lựa chọn, chuẩn bị các dự án khả thi để thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…
Không chỉ chú trọng tận dụng các mối quan hệ nhằm thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư bên ngoài, các địa phương cũng chú trọng vào việc “xúc tiến đầu tư tại chỗ” với việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, mạnh dạn xây dựng các chính sách ưu đãi lớn trong phạm vi cho phép nhằm lôi kéo nhà đầu tư vào địa phương mình. Điều này đã mang lại hiệu quả tích cực.
Gia Lai khởi đầu năm 2019 với tín hiệu lạc quan khi chỉ số cạnh tranh PCI của tỉnh này trong năm 2018 đã tăng lên 10 bậc so với năm 2017. Cụ thể, Gia Lai đạt 63,08 điểm, đứng 33/63 tỉnh thành phố. Kết quả này chính là sự ghi nhận của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cho những nỗ lực lớn của địa phương trong việc thực hiện những cải cách các thủ tục hành chính trong thời gian qua.
Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, với tiềm năng dồi dào, nhiều lợi thế có sẵn, Gia Lai xác định, sự đồng hành, hỗ trợ sâu sát của chính quyền địa phương dành cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; những cải cách về thủ tục chính là mấu chốt để Gia Lai có sự hiện diện thêm nữa những nhà đầu tư lớn.
Với Ninh Thuận, tỉnh ưu tiên các dự án xanh. Theo ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, trong Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, do Tập đoàn tư vấn Monitor thiết kế và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Thuận sẽ định hướng phát triển theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”, ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao như năng lượng tái tạo, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nông nghiệp công nghệ cao.
Để hiện thực hóa các định hướng này, Ninh Thuận đã ban hành cơ chế thu hút đầu tư các dự án du lịch trọng điểm đẳng cấp cao trên địa bàn tỉnh, nhằm kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch...
“Ninh Thuận được hưởng ở khung cao nhất của tất cả các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật. Địa phương cũng chủ trương dành các ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư trong khung quy định của Chính phủ, đồng thời, sẽ vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh”, ông Vĩnh chia sẻ.
Lựa chọn các dự án phù hợp
Mặc dù cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nhưng các địa phương miền Trung đều tính đến việc lựa chọn dự án phù hợp với thế mạnh cũng như phù hợp quy hoạch tổng thể của địa phương mình.
Đối với Phú Yên, hai lĩnh vực có thế mạnh chính là du lịch và nông nghiệp. Với lĩnh vực nông nghiệp, trọng tâm trong thu hút đầu tư của tỉnh là những dự án nông nghiệp chế biến các sản phẩm thủy - hải sản, nhằm khai thác thế mạnh về nghề đánh bắt nuôi trồng thủy - hải sản Phú Yên (cá ngừ đại dương, tôm hùm).
Ông Võ Cao Phi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên cho biết, Phú Yên đang xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp tại các quốc gia có thế mạnh về ngành này là Nhật Bản, Hàn Quốc. Dự kiến giữa năm nay, Phú Yên sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc nhằm kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.
Về phần mình, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trong những năm tới, cùng với việc chú trọng đến chất lượng các dự án đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi sẽ ưu tiên xúc tiến đầu tư các ngành nghề có lợi thế so sánh và hỗ trợ các dự án quy mô lớn đã và đang đầu tư tại tỉnh như: Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ VSIP Quảng Ngãi; Khu đô thị - công nghiệp Dung Quất; Tổ hợp Khí điện từ mỏ khí Cá Voi Xanh (Tập đoàn Sembcorp)”
Với tỉnh Quảng Bình, ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Năm 2019, Quảng Bình tiếp tục đặt mục tiêu thu hút những nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực đến với tỉnh. Quảng Bình sẽ rà soát điều chỉnh sửa đổi danh mục một số dự án cần kêu gọi đầu tư nhằm đảm bảo tính thiết thực, khả thi và phù hợp với nhu cầu thực tế trong giai đoạn tới”.
Không chỉ chú trọng thu hút đầu tư những lĩnh vực có thế mạnh riêng, hiện nay, một số địa phương đã bắt đầu tính đến chiến lược “không thu hút đầu tư bằng mọi giá”, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Theo ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, trong chương trình xúc tiến đầu tư năm 2019, đối với ngành công nghiệp, Quảng Nam chú trọng xúc tiến đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí, ô tô, công nghiệp hỗ trợ ngành điện, điện tử và dệt may - da giày, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu địa phương như nông, lâm sản, thủy - hải sản, vật liệu xây dựng.
“Tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tích cực hỗ trợ các dự án đã được cấp phép đầu tư để các dự án này triển khai một cách thuận lợi, tăng cường đối thoại với nhà đầu tư để giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kiên quyết từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, khai thác lãng phí nguồn tài nguyên, công nghệ lạc hậu”, ông Phong cho biết.