Trái phiếu mở màn
Hôm qua (8/9), Lễ khởi công Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Phú Yên (Km1265 - Km1353) dài 66,2 km được tổ chức tại TP. Tuy Hòa đã mở đầu cho việc “nâng đời” hai tuyến đường trọng điểm qua khu vực miền Trung, Tây Nguyên là Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
| ||
Với tổng mức đầu tư lên tới 4.315 tỷ đồng, công trình này đã đưa Phú Yên trở thành tỉnh miền Trung được hưởng lợi nhiều nhất từ Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ.
Trước đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã khởi công xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Bình Định - Phú Yên dài 40,6 km km, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng và “siêu dự án” xây dựng hầm Đèo Cả dài 26,8 km, tổng mức đầu tư 17.364 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Phú Yên sử dụng vốn trái phiếu chính phủ là công trình có thời gian chuẩn bị nhanh vào loại kỷ lục trên toàn tuyến.
Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, đơn vị đại diện chủ đầu tư - Ban quản lý Dự án Thăng Long đã cơ bản hoàn tất một loạt công việc “khó nhằn” từ thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu tư vấn giám sát, thi công đến rà phá bom mìn.
Để kịp hoàn thành công trình vào cuối năm 2015, một số nhà thầu mạnh trong nước đã được Bộ Giao thông - Vận tải lựa chọn trao thầu. “Những nhà thầu này sẽ phải dốc toàn lực tài chính và thiết bị trong khoảng 24 tháng để nâng cấp 4 phân đoạn Quốc lộ 1 qua Phú Yên đạt quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ với vận tốc thiết kế từ 60 - 80 km/h”, ông Thể cho biết.
Được biết, Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Phú Yên nằm trong “gói” 15 dự án nâng cấp Quốc lộ 1 lên 4 làn xe từ Hà Tĩnh đến Cần Thơ sử dụng vốn ngân sách, trong đó chủ yếu là các đoạn tuyến đi qua khu vực miền Trung gồm các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Long An. Cụm dự án này được Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu khởi công toàn bộ trong quý IV/2013.
Đối với 6 dự án nâng cấp Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đang đốc thúc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và hai sở Giao thông - Vận tải tỉnh Kon Tum và Bình Phước hoàn tất công tác chuẩn bị để thi công đồng loạt vào cuối năm 2013.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải, hiện các ban quản lý dự án được giao chuẩn bị đầu tư các dự án Quốc lộ 1 sử dụng vốn trái phiếu chính phủ đang dồn mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu và phối hợp với các địa phương tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng sau khi được Chính phủ cho ứng trước 5.000 tỷ đồng ngân sách.
Cần phải nói thêm rằng, để đáp ứng tiến độ hoàn thành Dự án nâng cấp Quốc lộ 1 vào cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Giao thông - Vận tải chỉ định một số doanh nghiệp có đủ năng lực ứng vốn thi công trong thời gian chưa phát hành được trái phiếu chính phủ, bảo đảm thực hiện theo đúng đơn giá, dự toán đã được duyệt và tiết kiệm được 5% giá dự toán. Phần vốn ứng trước của doanh nghiệp được hưởng lãi suất bằng lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ gần nhất.
“Để tránh tiêu cực, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu đánh giá kỹ lưỡng để trao thầu cho các đơn vị có đủ năng lực, trong đó ưu tiên lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực tài chính và kỹ thuật thuộc Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Quốc Phòng”, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.
BOT đón cú hích cơ chế
Đối với 17 dự án BOT Quốc lộ 1 và 5 dự án BOT Quốc lộ 1 đã được khởi công, đoạn tuyến Quốc lộ 1 từ Nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP. Hà Tĩnh do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 sẽ là dự án đầu tiên về đích với việc thông xe kỹ thuật vào trước Tết Âm lịch 2014.
“Việc hạng mục đầu tiên của đại công trình mở rộng Quốc lộ 1, đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ được hoàn thành sẽ tạo ra cú huých đáng kể cho hai đại dự án quan trọng này”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Tấn Viên đánh giá.
Ngoài “cú huých” trên công trường, các nhà đầu tư hai đại dự án nói trên cũng vừa chính thức đón nhận thêm một loạt cơ chế quản lý và thực hiện đặc thù với nhiều ưu đãi vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Văn bản 979/TTg - KTN. Cụ thể, các nhà đầu tư được phép thu phí hoàn vốn dự án với mức giá bằng 3,5 lần giá vé theo quy định tại Thông tư 90/2004/TT - BTC của Bộ Tài chính. Mức giá vé được phép 3 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng 15%.
Liên quan tới phương án tài chính của các hợp đồng BOT, Chính phủ cho phép khống chế thời gian hoàn vốn dưới 25 năm; mức lãi vay huy động vốn cho dự án được xác định thông qua đàm phán giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Mức lãi suất đàm phán sẽ được tham khảo dựa trên mức lãi suất cho vay trung hạn cùng kỳ hạn bình quân của ít nhất 3 tổ chức tín dụng không liên quan tới nhà đầu tư.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý để Bộ Giao thông - Vận tải áp dụng hình thức chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức rút gọn và không giảm 5% giá dự toán. “Đây là những cơ chế, chính sách hợp lý để động viên nhà đầu tư thuộc nhiều thành phần bỏ vốn đầu tư vào hai công trình trọng điểm quốc gia này”, ông Bùi Pháp, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long - Gia Lai (đơn vị tham gia đầu tư một dự án thành phần BOT mở rộng Quốc lộ 14) đánh giá.
Anh Minh