Đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Đó là quy định tại điều 78 dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận sáng 24/10.
Quy định phân loại chất thải rắn thế nào là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm từ khi thảo luận tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản là, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác (Ảnh minh họa) |
Đến nay, tổng hợp lại qua nhiều lần thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Việc quy định bắt buộc tính chi phí thu gom, vận chuyển rác thải dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân là phù hợp, cần thiết nhằm bảo đảm công bằng và hạn chế số lượng rác thải ra môi trường.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quy định này là chưa phù hợp và sẽ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện vì vậy cần cân nhắc quy định sao cho phù hợp với thực tiễn.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản là, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Dự thảo quy định, căn cứ điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác.
Điều 78 dự thảo luật cũng quy định Ủy ban nhân dân các cấp lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể thực hiện qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng.
Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm tập kết theo quy định hoặc chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Điều 80 dự thảo luật quy định, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện phù hợp với nguyên tắc định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá; dựa trên lượng chất thải đã được phân loại.
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo quy định không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương.
Kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải thực phẩm thấp hơn kinh phí phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt khác
Dự thảo luật cũng giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Những quy định trên phải được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/ 12/ 2024, còn Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021, nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.