Đầu tư
Từ ngày 15/1/2025, nhà đầu tư có thể lựa chọn thủ tục đầu tư đặc biệt
Khánh Linh - 31/12/2024 10:37
Thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ lược bỏ khá nhiều các loại giấy phép, thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện đầu tư cho nhà đầu tư các dự án công nghệ cao trong khu công nghiệp.
 Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của nhà đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đánh giá hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Thủ tục đầu tư đặc biệt là quy trình thực hiện dự án đầu tư khác biệt so với các dự án đầu tư thông thường khác, trong đó lược bỏ khá nhiều các loại giấy phép, thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện đầu tư, chuyển từ cơ chế quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, rút ngắn rất lớn thời gian triển khai, thực hiện dự án.

Đây là một bước đột phá lớn  trong quy định của pháp luật về đầu tư và kỳ vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư trong những lĩnh vực công nghệ cao.

Thế nào là thủ tục đầu tư bình thường

Theo quy định hiện hành, ở từng giai đoạn thực hiện dự án đầu tư, chủ đầu tư sẽ phải thực hiện các thủ tục, xin các loại giấy phép khác nhau cho đến khi dự án đầu tư đi vào vận hành.

Ví dụ, trong giai đoạn chuẩn bị dự án, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu dự án thuộc trường hợp phải chấp thuận chủ trương);

Nếu dự án có cấu phần xây dựng, phải có báo cáo nghiên cứu khả thi được thẩm định; nếu dự án có công nghệ tác động xấu đến môi trường, sẽ phải được cơ quan quản lý về công nghệ thẩm định về công nghệ;

Trong trường hợp phải đánh giá tác động môi trường theo pháp luật về môi trường, dự án sẽ phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; thủ tục để được giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Trong giai đoạn thực hiện dự án, nếu có cấu phần xây dựng, chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục thẩm duyệt thiết kế sau cơ sở, xin giấy phép xây dựng, giấy phép về môi trường; Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ...

Tại giai đoạn kết thúc dự án, đối với một số công trình xây dựng phải thực hiện thủ tục nghiệm thu công trình, nghiệm thu phòng cháy và chữa cháy…

Thực hiện thủ tục đầu tư đặc biệt, nhà đầu tư phải làm gì

Khoản 7 Điều 36a Luật Đầu tư quy định “Dự án đăng ký đầu tư theo quy định của Điều này không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp Giấy phép xây dựng và các thủ tục để được phê duyệt, chấp thuận, cho phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy”.

Thủ tục đầu tư đặc biệt có một số điểm khác biệt so với việc thực hiện các dự án đầu tư thông thường khác, trong đó lược bỏ một số giấy phép, thủ tục mà nhà đầu tư phải thực hiện với cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.

Thay vào đó nhà đầu tư sẽ cam kết thực hiện các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Khi thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục đặc biệt, điểm khác biệt so với các thủ tục thông thường khác đó chính là cơ chế quản lý áp dụng đối với thủ tục đặc biệt là “hậu kiểm”, nhà đầu tư thực hiện dự án không phải các thủ tục để được thẩm định, phê duyệt, cấp phép trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, phòng cháy và chữa cháy, xây dựng, nhưng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy vẫn phải đáp ứng, tuân thủ. Như vậy, dù nhà đầu tư cam kết hay không cũng phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Với tính chất này, căn cứ để kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án đầu tư theo thủ tục đặc biệt của nhà đầu tư là các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Làm rõ các bước thực hiện

Hiện nay, để đảm bảo tính minh bạch, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư dễ hình dung vào các bước thực hiện cũng như tạo căn cứ cho cơ quan quản lý giám sát, quản lý, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt đang được hoàn tất, sẽ có hiệu lực cùng thời điểm voài Luật sửa đổi Luật Đầu tư vào ngày 15/1/2025.

Theo đó, Dự thảo sẽ xây dựng quy trình thủ tục đầu tư đặc biệt theo các bước, từ giai đoạn chuẩn bị dự án đầu tư cho đến khi giai đoạn đưa vào dự án vào thực hiện. Trong mỗi giai đoạn, đối chiếu với dự án đầu tư thông thường, nhà đầu tư theo thủ tục đặc biệt không phải thực hiện thủ tục/xin giấy phép nào.

Cách thức thiết kế cần đủ rõ việc nhà đầu tư sẽ được miễn các loại giấy phép, thủ tục nào, phải thực hiện thủ tục nào, cần có tài liệu nào. Đây cũng là kiến nghị của các nhà đầu tư.

Ví dụ, Luật Đầu tư quy định không phải thẩm định công nghệ, nhưng đây được hiểu là trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư, không cần phải thẩm định công nghệ nếu thuộc trường hợp phải thẩm định công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, nhưng trong giai đoạn thực hiện có phải thực hiện thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ không?

Trong văn bản góp ý Dự thảo gửi Bộ Tư pháp, VCCI cũng đề nghị thiết kế trình thực thực hiện dự án đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị cho đến giai đoạn vận hành, trong đó quy định rõ các loại thủ tục được miễn, thủ tục nào phải thực hiện, đồng thời có biện pháp để xử lý các quy định có liên quan để điều chỉnh phù hợp với việc triển khai thực hiện dự án đầu tư này.

Đặc biệt, VCCI đề nghị làm rõ nhà đầu tư cam kết những gì khi thực hiện thủ tục đầu tư đặc biệt.

Hiện tại, Dự thảo đang thiết kế nhà đầu tư cam kết đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.

Trên thực tế, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư ở những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, vì vậy việc áp dụng các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn nhiều trường hợp cao hơn các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn của quy định hiện hành. Trong trường hợp này, nhà đầu tư sẽ cam kết áp dụng các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn cao hơn hay là chỉ cần ghi đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn hiện hành?

Khi thực hiện kiểm tra, giám sát, xem xét nhà đầu tư thực hiện theo cam kết (có thể cao hơn tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn của quy định hiện hành) hay là đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật?

VCCI đề nghị quy định rõ cam kết của nhà đầu tư về các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn khi thực hiện dự án đầu tư và phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện, quy chuẩn này tối thiểu đáp ứng theo quy định hiện hành.

Tin liên quan
Tin khác