Thời sự
Tư tưởng và tấm gương “vị công vong tư” của Bác Hồ
Xuân Lương - 03/09/2016 07:52
Sau thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng, sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, một Chính phủ mới được kiện toàn, mang hồn cốt Chính phủ kiến tạo đã và đang đi vào lòng dân trong niềm hứng khởi của năm thứ 6, cả nước ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó có nếp sống thanh tao, tư tưởng “vị công vong tư” của người sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
TIN LIÊN QUAN

Tháng 12/1958, Bác Hồ viết bài báo “Đạo đức cách mạng” ký tên Trần Lực, đăng trên Báo Nhân Dân. Người phân tích: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân, mọi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân, của gia đình. Nếu những lợi ích đó không trái với lợi ích tập thể thì không phải là xấu”.

Rõ ràng, Bác rất tôn trọng cái “riêng” chính đáng của mỗi người. Song Bác cũng yêu cầu: “Vị công vong tư, ít lòng ham muốn vật chất” và chính Bác gương mẫu thực hiện. Trong công tác cán bộ, Người chiêu hiền đại sĩ công bằng, tìm người tài để cống hiến cho đất nước, chứ không bao giờ tìm người nhà.

.

Trong bài nói tại Hội nghị chỉnh huấn do Ban Bí thư triệu tập (tháng 1/1965), Bác Hồ chỉ rõ nguồn gốc sai phạm của một số cán bộ hư hỏng khi “coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan, phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân, mà chỉ nghĩ đến lợi ích của mình. Họ quên rằng, mỗi đồng tiền, bát gạo là mồ hôi, nước mắt của nhân dân”… Bác Hồ chỉ thẳng các tệ nạn đó là một thứ giặc “ở trong lòng” và mọi người phải chống cả hai thứ giặc đó.

Trong lịch sử dựng nước, giữ nước trải hàng ngàn năm của con Hồng cháu Lạc, chưa có một vị đứng đầu Đảng, Nhà nước nào lại sống, làm việc trong ngôi nhà sàn bằng gỗ dựng cạnh bờ ao đầy cá, bao bọc xung quanh là những hàng cây vú sữa, dừa, bưởi, ổi, mít, cam, chanh…, cùng nhiều thứ hoa thơm nở bốn mùa. Tất cả tạo ra môi trường sống thanh cao, ấm nồng vốn có của một dân tộc mang trong trái tim mình nền văn minh lúa nước sông Hồng và văn hóa cầm đũa. 

Thời 9 năm kháng chiến trường kỳ có bài thơ để đời: “Đêm nay Bác không ngủ”. Đêm khuya, Bác vẫn thức vì thương đoàn dân công tải đạn, đêm nay ngủ ngoài rừng, lá cây cũng là chiếu, áo quần cũng là chăn… Nhưng khi về phố phường, trong đêm Đông cùng gió heo may về tái tê giữa lòng Hà Nội, Bác lại thấy thương người công nhân môi trường quét rác trong vườn Chủ tịch phủ. Bởi thế, khi ra ngước ngoài, Bác mang về nước giống cây xanh, nhiều lá, nhưng ít đổ lá, cốt giảm bớt nỗi khó nhọc cho người công nhân. Đó chính là một trong muôn vàn tình thương yêu của Hồ Chí Minh.

Mùa hè năm 1957, lần đầu Người về thăm quê, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An sắm bữa cơm trưa để mời khách, nhưng Bác từ chối khéo, vì đã có phần cơm mang theo từ Hà Nội về. Nếp sống vô cùng giản dị, thanh tao của Bác Hồ chính là sự kết tinh đến đỉnh cao của một cuộc đời kinh qua nhiều sóng gió cùng sự lựa chọn, sự chắt lọc được kết hợp, hòa quyện giữa tính dân tộc và tính hiện đại của kim cổ Đông Tây mà có. Không phải ngẫu nhiên, mà nhà văn nước Pháp Jean Lacouture viết trong phần kết cuốn Tiểu sử Hồ Chí Minh: “Tôi khâm phục ông Hồ Chí Minh, đó là một nhân cách hấp dẫn, có thể nói là quyến rũ nữa; một nhà yêu nước không bao giờ nghĩ tới lợi ích riêng tư. Cả thế giới đều biết, từ giữa thế kỷ nay dưới 20 bí danh khác nhau, người sáng lập nước Việt Nam vẫn giương cao ngọn cờ của những người dân thuộc địa. Từ khu phố Mouffetard đến Quảng trường Đỏ, từ Điện Biên Phủ đến cuộc chiến tranh chống Mỹ leo thang. Đây là con người đã tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài nhất, chống lại cái trật tự mà các cường quốc áp đặt. Đó là con người bất tử - Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tin liên quan
Tin khác