Ngoài nguyên nhân về giá, một lý do quan trọng khiến các nhà sản xuất DAP trong nước khó bán hàng vì DAP trong nước khó tan nên nông dân không thích |
DAP nội khó cạnh tranh
Nguyên đơn trong vụ việc này là 2 doanh nghiệp phân bón DAP thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là Công ty cổ phần DAP - Vinachem (DDV) và Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem.
Ngay sau quyết định của Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự không đồng tình việc điều tra vì cho rằng, nếu áp thuế phân bón DAP nhập khẩu thì hai doanh nghiệp sản xuất DAP này sẽ được hưởng lợi.
Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Khánh Linh (Kalix), quận 9, TP.HCM cho rằng, nếu Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ như tăng thuế hay điều chỉnh lượng nhập bằng hạn ngạch DAP, chỉ có các nhà máy sản xuất hưởng lợi, còn thiệt hại thuộc về nông dân.
Theo một số doanh nghiệp phân bón, thời gian qua, thị trường phân bón trên toàn thế giới đều giảm giá ở hầu hết chủng loại, không riêng gì sản phẩm DAP.
Trong khi đó, doanh nghiệp nội do không được khấu trừ thuế VAT nên đã cộng vào giá thành khiến giá phân bón tăng, khiến nông dân tìm đến với hàng nhập khẩu nhiều hơn.
Chưa hết, trong khi trên thế giới, giá các mặt hàng đều giảm như than đá giảm 40%; khí giảm; phân Ure giảm 41,25%; phân DAP giảm 25%; phân Kali giảm 19%... thì trong nước, giá các nguyên liệu sản xuất phân bón là than, khí lại không giảm, khiến khả năng cạnh tranh của sản phẩm phân bón nội đã khó lại càng khó hơn.
Do đó, giá phân bón nhập khẩu về Việt Nam, trong đó có DAP, giảm mạnh so với các năm trước. Dù bị áp thuế nhập khẩu 6%, nhưng phân DAP nhập khẩu về đến Việt Nam thực tế vẫn có giá rẻ hơn giá bán của các nhà máy trong nước.
Trong sự đi xuống của giá phân bón toàn cầu và khó khăn chung của thị trường, “sức khỏe” của doanh nghiệp sản xuất DAP nội khá bi đát.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của DDV cho thấy, doanh thu chỉ đạt 1.320 tỷ đồng so với kế hoạch 2.842 tỷ đồng, bị lỗ nặng tới 470 tỷ đồng so với chỉ tiêu lãi 48 tỷ đồng đề ra đầu năm.
Tình cảnh Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem cũng không khá hơn, với khoản lỗ năm 2016 lên tới 800 tỷ đồng. Cuối tháng 12/2014, Công ty ra mẻ sản phẩm đầu tiên, qua quá trình chạy thử, đến tháng 6/2015, nhà máy sản xuất mới được nghiệm thu. Nhưng, thị trường phân bón trong nước lúc đó gặp khó khăn, giá bán giảm từ 9.000 đồng/kg xuống còn 7.000 đồng/kg, dẫn đến sản xuất bị thua lỗ. Năm 2015, Công ty lỗ hơn 100 tỷ đồng, năm 2016 là trên 800 tỷ đồng.
Doanh nghiệp đỡ khó, nông dân thì sao?
Trên thực tế, biện pháp tự vệ thường được sử dụng đến như một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa trong nước trong trường hợp khẩn cấp, nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu.
Trong trường hợp, 2 doanh nghiệp yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phân bón DAP nhập khẩu là đúng với cam kết trong WTO, nhưng còn nông dân, đối tượng chính tiêu dùng sản phẩm DAP sẽ ra sao.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Phạm Đức Thành, Phó trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho rằng, dù doanh nghiệp không sản xuất sản phẩm DAP, nhưng đứng trên góc độ người tiêu dùng là nông dân, khi áp thuế với hàng nhập khẩu, nông dân sẽ không được lợi.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nguyên đơn lại được lợi từ biện pháp tự vệ, như vậy là chưa sòng phẳng với nông dân. Vấn đề là các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần cân đối lại các chi phí đầu vào để hạ giá bán sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh để giá không có khoảng cách quá xa với hàng nhập khẩu.
Ông Thành cũng cho biết, khó là khó chung của thị trường, nhưng mấu chốt để cạnh tranh phải là tính toán tiết giảm mọi chi phí sản xuất, nhưng nếu doanh nghiệp sở hữu công nghệ sản xuất ở mức bình thường, chất lượng sản phẩm không hơn gì hàng nhập khẩu, mà giá bán lại cao thì tất yếu khách hàng sẽ có sự lựa chọn của họ.
Quay trở lại với trường hợp Công ty cổ phần DAP - Vinachem, trong rất nhiều nguyên nhân đưa ra giải trình cho sản xuất kinh doanh kém hiệu quả trong năm 2016, đại diện doanh nghiệp này đã thừa nhận, “chất lượng phân bón DAP của Công ty chưa được cải thiện về độ tan, hàm lượng dinh dưỡng”.
Rõ ràng, ngoài nguyên nhân về giá, một lý do quan trọng khiến các nhà sản xuất DAP trong nước khó bán hàng vì DAP trong nước khó tan nên nông dân không thích. Thêm nữa, chủng loại sản phẩm của Công ty đơn điệu, chỉ có duy nhất sản phẩm phân bón DAP 61%, nên khi sản phẩm này gặp bất lợi không có sản phẩm khác hỗ trợ, khiến sản xuất, kinh doanh thua lỗ nặng.