Bệnh nhân B.T.H. nữ 47 tuổi ở Lạc Sơn, Hòa Bình nhập viện trong tình trạng suy gan nặng trên nền xơ gan viêm gan virus B kèm theo tình trạng viêm phổi và có nguy cơ hôn mê gan rất cao, bụng chướng, vàng da, vàng mắt.
Các bài thuốc Nam của Việt Nam nếu sử dụng đúng cách rất tốt nhưng nếu không biết cách sử dụng hoặc sử dụng các bài thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc sẽ gây hệ lụy khôn lường. |
Từ lâu, bệnh nhân không đi kiểm tra sức khỏe nên không biết mình mắc bệnh viêm gan virus B. Khoảng tháng 8/2024, bệnh nhân xuất hiện bụng chướng tăng dần, đi khám mới phát hiện bị viêm gan B và đã chuyển sang xơ gan.
Tuy nhiên bệnh nhân không uống thuốc do bác sỹ kê mà tự mua thuốc Nam không rõ nguồn gốc uống để điều trị bệnh. Sau khi uống thuốc nam 10 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện vàng da, vàng mắt tăng dần, mệt mỏi, ăn kém, bụng chướng to.
Ngày 4/9/2024, bệnh nhân nhập cơ sở y tế địa phương điều trị với tình trạng xơ gan cổ trướng, chức năng gan đạt 15% nên được tiến hành hút dịch ổ bụng.
Ngày 16/9/2024, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng rất nặng với biểu hiện: suy gan nặng trên nền xơ gan viêm gan B kèm theo tình trạng viêm phổi, men gan tăng cao gấp hơn 11 lần, tình trạng vàng da, vàng mắt rõ rệt. Chức năng gan chỉ còn đạt được 13,6% và có nguy cơ hôn mê gan rất cao.
Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhân xuất hiện rối loạn ý thức, lơ mơ nên được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực, phải đặt ống thở máy. Tuy nhiên, bệnh nhân không đáp ứng với thuốc điều trị, diễn biến bệnh trở nên nguy kịch hơn. Gia đình xin chuyển bệnh nhân về chăm sóc tại nhà.
Bác sỹ Nguyễn Quang Huy, khoa Viêm Gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, khởi đầu nguyên nhân xơ gan là do bệnh nhân mắc viêm gan B nhưng không điều trị nên bệnh chuyển biến nặng thành xơ gan cổ trướng. Ở giai đoạn này, bệnh nhân mắc thêm sai lầm nữa là uống thuốc nam để điều trị bệnh. Từ đó dẫn đến tình trạng suy gan cấp nặng.
Cũng tương tự như bệnh nhân B.T.H nhưng may mắn hơn, bệnh nhân B.T.Q, 34 tuổi cũng ở Hòa Bình không biết mình bị mắc viêm gan B từ bao giờ. Tháng 8 năm 2023, chị thấy mệt mỏi, kém ăn mới đi kiểm tra sức khỏe và phát hiện mắc viêm gan B.
Chị Q. được bác sỹ kê đơn uống thuốc kháng virus định kỳ. Sau bốn tháng dùng thuốc, chị tự ý bỏ thuốc để chuyển sang dùng cây cà gai leo, giảo cổ lam, cây an xoa để thải độc gan. Chị cẩn thận tìm hiểu thông tin trên mạng về tác dụng của các loại cây nên chị Q. yên tâm sử dụng.
Cho đến cuối tháng 9/2024, chị Q. xuất hiện tình trạng mệt mỏi, ăn kém, vàng da khác thường được nhập viện gần nhà với chẩn đoán suy gan cấp trên nền viêm gan B. 5 ngày điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm nên được chuyển tuyến đến Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với biểu hiện vàng da, vàng mắt tăng gấp hơn 20 lần, suy gan cấp, chức năng gan đạt 49%, chỉ số men gan tăng cao gấp 25 lần chỉ số bình thường.
Sau 3 tuần điều trị, tình trạng suy gan của bệnh nhân Q. đã được cải thiện hơn. Theo bác sỹ Nguyễn Quang Huy, chị Q. là trường hợp may mắn.
Bác sỹ Huy khuyến cáo, muốn biết mình có bị viêm gan B hay không, người dân có thể đến các cơ sở y tế địa phương gần nhà như bệnh viện huyện, bệnh viện quận, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm vaccine, bệnh viện tỉnh… bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để làm xét nghiệm HBsA.
Nếu HBsAg dương tính, nghĩa là bạn đã mắc viêm gan B. Bạn cần đi khám kiểm tra tình trạng bệnh tại chuyên khoa truyền nhiễm hoặc chuyên khoa gan mật định kỳ theo hẹn của bác sỹ.
Thông thường, người mắc viêm gan B mạn thường thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng. Do đó người bệnh thường chủ quan và bệnh sẽ tiến triển nặng lên mà không hề hay biết.
Chính vì vậy, người mắc viêm gan B cần tuân thủ lịch khám định kỳ theo hẹn của bác sỹ chuyên khoa . Điều này là vô cùng quan trọng, giúp cho người bệnh trao đổi với bác sỹ về tình trạng bệnh của mình, cũng như phát hiện kịp thời giai đoạn bệnh để điều trị, ngăn ngừa các biến chứng suy gan, xơ gan, và ung thư gan xảy ra.
Hiện tại, thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan B là các thuốc kháng virus giúp ức chế virus viêm gan B. Có nhiều thuốc kháng virus khác nhau, phù hợp với từng người bệnh cụ thể nên bạn cần trao đổi với bác sỹ để có được cách thức điều trị tốt nhất phù hợp…
Cũng gặp họa do điều trị viêm gan B bằng thuốc Nam không rõ nguồn gốc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc.
Bệnh nhân thứ nhất là ông N.N.D, 64 tuổi ở Bắc Giang. Ông D. phát hiện viêm gan B cách đây 30 năm. 3 năm gần đây đã điều trị thuốc kháng virus. 5 tháng nay ông đã uống thuốc Nam điều trị viêm gan B.
Tuy nhiên 1 tháng trở lại đây ông D. xuất hiện mệt mỏi, vàng da tăng dần. Ông D. đến cơ sở y tế điều trị, sau 1 tuần ông được xuất viện.
Khi về nhà, ông D. thấy mệt mỏi hơn, chán ăn, tiểu ít, có màu vàng sẫm, đại tiện phân táo. Gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện điều trị. Một ngày sau ông D. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ông D. nhập viện trong tình trạng da và mắt vàng đậm, được chẩn đoán suy gan cấp - xơ gan - viêm gan B mạn. Các bác sĩ đã giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh, tiên lượng rất nặng, nguy cơ hôn mê gan.
Bệnh nhân thứ 2 là ông T.N.T, 64 tuổi đến từ Hưng Yên. Bệnh nhân không mắc bệnh mạn tính, không bị viêm gan B,C, không uống rượu bia.
Khoảng 3 năm trở lại đây, ông T. có uống thuốc Nam, Bắc (uống từng đợt mỗi năm khoảng 2 đợt). Trước khi nhập viện khoảng 3 tuần, bệnh nhân có uống thuốc Nam 10 ngày để điều trị sỏi túi mật. Sau khi uống thuốc, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi ăn uống kém.
Bệnh nhân đã nhập viện 2 tuần để điều trị nhưng sau khi ra viện, bệnh nhân lại xuất hiện mệt mỏi. Gia đình đã đưa bệnh nhân nhập Khoa Viêm Gan, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương để điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan nhiễm độc, có viêm gan cấp.
Bác sĩ CKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phân tích, suy gan có nghĩa là các chức năng của gan đã bị suy giảm, không đảm bảo được các chức năng bình thường. Khi các chức năng của gan bị suy thì cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.
Ví dụ như hội chứng não gan, bệnh nhân có thể hôn mê do gan, rồi bệnh nhân có thể bị hội chứng gan thận tức là suy thận do gan. Nếu suy gan quá nặng, tiên lượng tử vong có thể lên đến từ 50 đến 70%.
Còn viêm gan nhiễm độc là viêm gan do các chất độc gây ra, các chất độc này có thể là rượu, có thể là thuốc hoặc có thể là hóa chất...
Khi những chất độc này vào cơ thể, chúng làm hủy hoại tế bào gan, dần dần làm suy giảm chức năng gan. Gan không đảm bảo được các chức năng bình thường thì dẫn đến suy gan, suy đa tạng như hội chứng não gan, hội chứng gan thận.
Khi đó bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê gan, tiên lượng tử vong cao. Để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền khuyến cáo, đối với bệnh nhân viêm gan vi rút B đang điều trị phải tuyệt đối tuân thủ thuốc kháng vi rút, không được ngừng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Thứ hai là khi người dân uống bất kỳ một thứ thuốc gì đều phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, không được uống thuốc hoặc các chế phẩm không rõ nguồn gốc.
Nếu chẳng may đã uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, tiểu vàng thì phải đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.