Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm mới với 2 phiên giao dịch đầy hứng khởi. Chỉ số VN-Index liên tục tăng điểm, vượt mốc 1.200 điểm và duy trì đà tăng trên ngưỡng tâm lý quan trọng. Chỉ vọn vẹn 2 phiên, quy mô vốn hoá thị trường riêng trên sàn chứng khoán TP.HCM đã tăng thêm 45.143 tỷ đồng, tương đương 1,83 tỷ USD. Vốn hoá thị trường trên ba sàn tăng thêm tren 2,22 tỷ USD.
Phiên giao dịch khai xuân Giáp Thìn (15/2), VN-Index tăng 0,33% sau nhịp chốt lời cuối phiên, đóng cửa tại 1.202,5 điểm với thanh khoản tích cực. Đà tăng dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng, tiêu biểu là các cổ phiếu như TCB (+3,0%) và MBB (+2,8%). Ngoài ra, cổ phiếu các ngân hàng vốn hóa nhỏ cũng ghi nhận mức tăng mạnh mẽ, ví dụ: MSB (+6,7%), NVB (+5,6%) và OCB (+5,0%).
VN-Index tiếp tục đà tăng 0,6% trong phiên hôm sau, đóng cửa tại 1.209,7 điểm. Đà tăng giá từ nhóm Ngân hàng đã lan tỏa sang các cổ phiếu trong rổ VN30 khác như GVR (+6,8%), MSN (+2,0%), VIC (+3,3%) và VNM (+3,6%), giúp VN-Index giữ được đà tăng. Mặc dù xuất hiện lực bán chốt lời vào buổi chiều, chỉ số VN-Index vẫn bật tăng trở lại vào cuối phiên.
Tính chung trong hai phiên, VN-Index tuần này được kéo bởi các mã blue-chip như VIC (+3,7%), GVR (+5,1%), VNM (+3,6%) và TCB (+3,2%). Ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng như BID (-0,8%), VCB (-0,4%) và ACB (-1,4%) điều chỉnh sau đà tăng giá gần đây, gây áp lực lên chỉ số chung.
Tuần qua, giá trị giao dịch trên ba sàn tăng mạnh 20,2% so tuần trước đó nhờ tâm lý tích cực sau Tết, đạt giá trị 20.637 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng, với giá trị bán ròng đạt 768 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Theo đó, khối ngoại bán ròng 726 tỷ đồng trên HoSE và 62 tỷ đồng trên HNX, trong khi mua ròng nhẹ 20 tỷ đồng trên UPCOM.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDirrect, với thanh khoản tốt và độ rộng lan tỏa, đây là khởi đầu tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm Giáp Thìn.
Chuyên gia phân tích từ VNDirect cho rằng, dòng tiền của nhà đầu tư đã sớm quay trở lại thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết. Đồng thời, đây cũng là yếu tố giúp chỉ số VN-Index bứt phá khởi ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.
Độ rộng của thị trường cũng tích cực hơn khi nhiều nhóm ngành luân phiên tăng điểm và giữ nhịp thị trường thay vì chỉ tập trung vào nhóm ngân hàng như giai đoạn trước nghỉ lễ. Tâm lý của nhà đầu tư trong nước hiện khá hưng phấn nhờ những thông tin hỗ trợ tích cực về vĩ mô trong nước, đặc biệt là số liệu về PMI, xuất nhập khẩu, FDI trong tháng 1, cũng như bức tranh kết quả kinh doanh quý IV/2023 của các doanh nghiệp niêm yết đã có sự phục hồi rõ rệt.
“Điều này củng cố cho tâm lý thị trường hướng tới một mùa đại hội cổ đông năm 2024 và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 với gam màu tươi sáng hơn. Với các yếu tố trên, chưa có dấu hiệu nào có khả năng “làm đảo chiều” xu hướng tăng hiện nay của thị trường”, ông Đinh Quang Hình nhận định.
Theo ông Hinh, VN-Index có thể hướng tới vùng đỉnh cũ quanh 1.240 điểm (+/- 10 điểm). Đây mới là vùng kháng cự mạnh và đủ sức thử thách xu hướng tăng của thị trường.