Chỉ sau một đêm, thị trường vàng thế giới đã đi được một bước dài khi nhanh chóng bứt phá qua ngưỡng 1.900 USD/ounce. Khép lại tuần giao dịch, giá vàng vọt tăng 3,42%, lên 1.9302,5 USD/ounce, qua đó ghi nhận tuần lễ giao dịch "rực sáng" nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây. Cuộc xung đột tại Trung Đông đã kích thích nhu cầu tìm đến các loại tài sản trú ẩn an toàn của giới đầu tư.
Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York tăng 3,34% lên 1.945,9 USD/ounce.
Ngay sau đêm giao dịch đột biến của kim loại quý này, giá vàng miếng SJC cũng chịu ảnh hưởng bởi diễn biến toàn cầu. Đã có thời điểm vàng miếng SJC tiến sát mốc 72 triệu đồng/lượng nhưng sau đó điều chỉnh lại, giảm đáng kể nhưng vẫn tăng mạnh so với cuối ngày hôm qua.
Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng yết ở mức 69,8 - 71 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 800.000 đồng. Tính chung cả tuần, vàng miếng SJC tại hãng vàng này đã tăng 1,7 triệu đồng ở cả chiều mua vào và bán ra.
Giá vàng DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở mức 68,25 - 69,25 triệu đồng/lượng, tăng 1,25 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,75 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với tuần trước.
Tại TP. Hồ Chí Minh giá vàng DOJI đang được niêm yết ở 69,5 - 71 triệu đồng/lượng, tăng 1,35 triệu đồng ở cả 2 chiều mua và bán so với tuần trước.
Bảo tín Minh Châu là hãng vàng đã yết giá bán thấp nhất ở thời điểm hiện tại (70,95 triệu đồng/lượng). Đồng thời, giá mua vào cũng hấp dẫn nhất, khi chịu chi tới 69,85 triệu đồng/lượng để mua vào. Chênh lệch giá mua – bán 1,1 triệu đồng.
Trong khi đó, đa số công ty bán ra ở mức giá 71 triệu đồng mỗi lượng. Giá mua vào phổ biến quanh 69,6 – 69,85 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa hai chiều mua và bán vọt lên 1,2 – 1,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng vọt sau đêm biến động của thị trường vàng toàn cầu |
Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới quanh 14 triệu đồng/lượng, không thu hẹp nhiều do vàng trong nước cũng tăng song hành với diễn biến toàn cầu.
Giới đầu tư đang theo dõi những diễn biến mới tại Trung Đông. Đây cũng là sự kiện khiến các thị trường tài chính cảm thấy bất ổn từ đầu tuần.
Mới đây, quân đội Israel thông báo bộ binh cùng xe tăng nước này tiến vào Dải Gaza trong đợt tiến công cục bộ và tìm kiếm con tin. Phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), chuẩn đô đốc Daniel Hagari cho biết đây là "đợt tiến công cục bộ" và lực lượng Israel không tiến sâu vào Dải Gaza.
Trong khi đó, nhóm Hezbollah ở Lebanon cho biết họ đã chuẩn bị đầy đủ để sát cánh cùng lực lượng Hamas trong cuộc chiến chống lại Israel khi thời cơ đến. Phát biểu của phó thủ lĩnh Hezbollah được đưa ra trong bối cảnh giao tranh giữa Israel và Hamas đã bước sang ngày thứ bảy, sau khi hàng trăm tay súng Hamas đột kích vào lãnh thổ Israel hôm 7/10.
Đụng độ khiến khoảng 1.300 người tại Israel thiệt mạng, 3.400 người bị thương. Tại Dải Gaza, gần 1.800 người thiệt mạng và hơn 6.300 người bị thương.
Căng thẳng bùng phát tại Trung Đông đã khiến dòng vốn tìm đến các loại tài sản vốn được coi là trú ẩn an toàn như vàng. Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết, nếu tình hình chính trị tiếp tục diễn biến xấu thì khả năng giá vàng hồi phục lên trên mốc 2.000 USD sẽ rất cao.
Ông Colin Cieszynski, chiến lược gia trưởng thị trường tại SIA Wealth Management nhận định, có vẻ như lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và bạc xanh đã tạm dừng đà tăng trong thời điểm này. Trong khi đó với khả năng leo thang chiến sự, kim loại quý có thể tiếp tục thu hút sự quan tâm mới với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn.
Dữ liệu hôm 12/10 cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng trong tháng 9 trong bối cảnh chi phí thuê nhà và xăng dầu cao hơn, nhưng lạm phát cơ bản đang chậm lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 đã tăng 0,4% so với tháng trước và 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cả hai chỉ số đều cao hơn ước tính của các chuyên gia kinh tế đã khảo sát là 0,3% và 3,6%.
Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi tăng 0,3% so với tháng 8 và 4,1% so với một năm trước, tương ứng với kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Tình hình căng thẳng địa chính trị hiện nay tại Gaza hay Ukraine hay Tây Phi cũng có thể thúc đẩy ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng. Theo State Street Global Advisors – công ty quản lý tài sản lớn thứ 4 thế giới, các cơ quan tiền tệ trên khắp các quốc gia đã mua ròng 387 tấn vàng trong nửa đầu năm 2023, sau khi mua 1.083 tấn - số lượng chưa từng có trong cả năm ngoái. Ngoài việc đa dạng hóa dự trữ, xu hướng này còn được thúc đẩy bởi mong muốn của các ngân hàng trung ương trong việc củng cố bảng cân đối kế toán và tăng tính thanh khoản mà không gây thêm rủi ro tín dụng.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng 0,07% lên 106,67 điểm; giảm 0,57 điểm so với tuần trước.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 14/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.077 VND/USD, tăng 3 đồng so với tuần trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.874 - 25.280 đồng/USD.
Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.275 VND/USD (mua vào) và 24.615 VND/USD (bán ra), tăng tổng cộng 75 đồng mỗi USD trong tuần qua.
Từ năm 2022 đến nay, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất điều hành 11 lần (với 7 lần tăng trong năm 2022 và 4 lần tăng từ đầu năm 2023 đến nay), đưa lãi suất điều hành USD lên mức cao nhất trong 22 năm qua; bên cạnh đó, chỉ số đo lường sức mạnh USD quốc tế DXY cũng tăng mạnh từ mức 99 khoảng giữa tháng 7/2023 lên mức 106,7 hiện nay, gây áp lực mất giá lên các đồng tiền trong đó có đồng Việt Nam. Việc NHNN giảm mạnh lãi suất điều hành đối với VND dẫn đến tình trạng lãi suất USD cao hơn nhiều lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, qua đó, đã và đang gây áp lực lớn lên tỷ giá USD/VND khi đồng USD mạnh lên và tiếp tục neo cao.