Ngân hàng
“Tuần phán quyết” của các nhà băng
Huy Hào - 21/04/2013 11:19
Không kể là đại gia hay ngân hàng nhỏ, nhiều quyết sách quan trọng đang chờ được phán quyết trong tuần từ 22-27/4 tới, khi các nhà băng này tổ chức Đại hội cổ đông năm 2013.

Bài toán khó của BIDV

Trong số các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, thì Đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dường như được trông đợi hơn cả.

BIDV để ngỏ thời điểm niêm yết trong năm 2013 và 2014

Chuẩn bị cho Đại hội tổ chức vào ngày 26/4 tới (tại Khách sạn Nikko Sài Gòn, số 235 Nguyễn Văn Cừ, Quận 1, Tp. HCM), BIDV đã chuyển cho cổ đông tới 16 đầu tài liệu liên quan.

Bên cạnh những nội dung căn bản, như thông qua báo cáo kết quả kinh doanh 2012 và kế hoạch kinh doanh 2013; thông qua báo cáo của HĐQT về kết quả hoạt động 2012 và trọng tâm hoạt động 2013; thông qua báo cáo tài chính kiểm toán, phương án trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận 8 tháng cuối năm 2012…thì cổ đông rất chú ý đến quyết định niêm yết cổ phiếu - “bài toán” khó của BIDV.

Theo tờ trình niêm yết cổ phiếu, BIDV sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM trong năm 2013 - 2014. Thời điểm niêm yết chính thức trên cơ sở cân nhắc diễn biến của thị trường.

Nhìn vào thời điểm đề xuất, có thể thấy việc BIDV niêm yết còn khá mù mờ, nhất là khi thị trường chứng khoán chưa cho thấy sự khởi sắc thực sự.

Trước đó, nghị quyết đại hội cổ đông năm 2012 của BIDV đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Tuy nhiên, do diễn biến thị trường chứng khoán năm 2012 liên tục suy giảm, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Với tình hình đó, BIDV đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE và được chấp thuận về mặt nguyên tắc cho phép BIDV hoãn niêm yết cổ phiếu đến thời điểm thích hợp.

Năm 2013, BIDV dự kiến nguồn vốn huy động tăng trưởng 13%; Dư nợ tín dụng tăng trưởng 12%; lợi nhuận trước thuế đạt 4.720 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu <3%; ROA: 0,7%; ROE: 12%, cổ tức từ 8-9%.

PVFC - Western Bank chính thức về chung một nhà?

Cũng trong ngày 26/4, Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) dự kiến tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012.

Đã có bước đi cụ thể hơn trong thương vụ M&A
giữa PVFC - WesternBank

Theo tài liệu chuẩn bị cuộc họp, những nội dung đặc biệt quan trọng về việc hợp nhất với Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) đã đượcdự thảo, cho thấy ngân hàng này đã có những bước đi rất cụ thể cho chủ trương này.

Dự kiến, tại đại hội, Western Bank sẽ xin ý kiến cổ đông về Dự thảo Hợp đồng hợp nhất và Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của ngân hàng hợp nhất.
Nguồn tin của Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn cho hay, hai văn bản quan trọng trên đã được Western Bank và PVFC phối hợp xây dựng ở mức chi tiết hơn. PVFC cũng đã chính thức báo cáo cổ đông lớn đến Petrovietnam (chiếm tới 78% vốn điều lệ PVFC) về vụ việc.

Theo bản dự thảo hợp đồng hợp nhất, phương thức hợp nhất vốn giữa PVFC và Western Bank được tính căn cứ trên vốn và tài sản của hai bên và sẽ được chuyển giao cho ngân hàng hợp nhất vào ngày hợp nhất.

Vốn điều lệ của ngân hàng hợp nhất là 9.000 tỷ đồng, ứng với 900 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông cũ của hai bên sẽ được hoán đổi trở thành cổ đông sở hữu cổ phần của ngân hàng hợp nhất và được hưởng mọi quyền, lợi ích và có đầy đủ các nghĩa vụ với tư cách là cổ đông của ngân hàng hợp nhất.

Tại Đại hội ngày 26/4, Western Bank sẽ xin ý kiến cổ đông về Dự thảo Hợp nhất với PVFC

Kể từ ngày hợp nhất, ngân hàng hợp nhất sẽ kế thừa tất cả quyền và nghĩa vụ của các bên theo các hợp đồng đã ký giữa PVFC, Western Bank và bên thứ ba trước ngày hợp nhất. Tất cả các khoản nợ, trách nhiệm, nghĩa vụ của PVFC và Western Bank có ngay trước ngày hợp nhất sẽ trở thành các khoản nợ, trách nhiệm và nghĩa vụ của ngân hàng hợp nhất.

Trước lo ngại, băn khoăn về những xáo trộn có thể xảy ra trong thời gian từ ngày ký hợp đồng đến ngày hợp nhất, Dự thảo đã quy định, cả hai bên cam kết phải thực hiện hoạt động kinh doanh bình thường, duy trì và giữ vững cơ cấu tổ chức hoạt động, các cơ hội kinh doanh, kế thừa các mối quan hệ kinh doanh và đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nhà cung cấp, tư vấn, đại lý, phân phối và các tổ chức, cá nhân khác.

Đồng thời, hai bên cam kết đảm bảo quyền lợi người lao động, giữ vững và đảm bảo hình ảnh, thương hiệu và uy tín, bảo đảm an toàn tuyệt đối về tài sản mà cả PVFC và Western Bank đang có trước khi ký kết hợp đồng.
Như vậy, kế hoạch hợp nhất hai tổ chức tín dụng này đã định hình cụ thể hơn. Với kinh nghiệm và thực tiễn từ các thương vụ hợp nhất, sáp nhập ngân hàng khác đã diễn ra thời gian qua, dư luận hy vọng, thương vụ hợp nhất PVFC và Western Bank sẽ tạo ra một ngân hàng hoạt động mạnh hơn, toàn diện hơn.

Navibank: Ẩn số tự tái cơ cấu.

Diễn ra ngày 26/4 (tại Trung tâm hội nghị, nhà hàng tiệc cưới The Adora–Nguyễn Kiệm, 371 Nguyễn Kiệm, Phường 3, Quận Gò Vấp, TP.HCM), nhưng Đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) thu hút sự chú ý của dư luận không vì những kế hoạch “khủng”, mà là ở kỳ vọng xen lẫn tò mò, rằng liệu có quyết sách nào về sự sống còn của Ngân hàng được đưa ra tại Đại hội?

Phương án tự tái cơ cấu của NaviBank vẫn còn là bí ẩn

Navibank là một trong 9 ngân hàng bị buộc phải tái cơ cấu theo yêu cầu của NHNN. Được biết, Navibank đã được cơ quan quản lý chấp thuận cho tự tái cơ cấu, song các phương án cụ thể hiện nay vẫn còn là ẩn số.

Cổ đông lớn nhất của Navibank hiện là Công ty Cổ phần Năng lượng Sài Gòn - Bình Định (do ông Nguyễn Tri Hổ, thành viên HĐQT ngân hàng giữ chức chủ tịch HĐQT) với 29.790.550 cổ phiếu, tương đương 9,8965% cổ phần.

Cổ đông lớn thứ hai là gia đình ông Đặng Thành Tâm, thành viên thường trực HĐQT với gần 5,3% cổ phần. Trước thời điểm 12/12/2012, gia đình ông Tâm có hơn 10,2% cổ phần nhưng sau đó bà Nguyễn Thị Kim Thanh (vợ ông Tâm) đã thoái toàn bộ vốn.


Ngoài những đại hội dự kiến sẽ rất “nóng” kể trên, một số ngân hàng khác cũng tổ chức đại hội cổ đông trong tuần cuối tháng 4/2013.

Trong số đó, có đại hội của Ngân hàng TMCP Đông Á (diễn ra ngày 27/4, cũng tại TP.HCM).

Năm 2013, DongA Bank dự trình kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng 9%; tỷ lệ nợ xấu < 3,5%.


Ngân hàng cũng định hướng kinh doanh: Đổi mới và Phát triển. Theo đó, DongA Bank sẽ xây dựng mô hình kinh doanh chiến lược mới; kiểm soát nợ xấu; nâng cao các nguồn thu phí; quản lý chi phí hiệu quả; làm giàu quan hệ đối tác chiến lược.

Năm 2012, tổng tài sản của DongA Bank đạt 69.278 tỷ đồng, tăng 7%; huy động tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 50.790 tỷ đồng, tăng 40,8%; dư nợ cho vay đạt 50.650 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2011.
Năm qua, lợi nhuận trước thuế DongA Bank đạt 777 tỷ đồng; EPS theo DongA Bank đạt 1.192 đồng/CP; tỷ lệ cổ tức dự trình 10%/mệnh giá.

Tin liên quan
Tin khác