Phương án an toàn
Ông Đào Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX) xác nhận, với mục tiêu là phát huy giá trị tài sản đã đầu tư, PVTEX đã lập các phương án khôi phục sản xuất - kinh doanh, như khởi động lại một phần Phân xưởng DTY, hợp tác với đối tác để vận hành lại toàn nhà máy.
PVTEX đang tìm đối tác chấp thuận bỏ vốn cùng khai thác, vận hành Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ. |
PVTEX dự kiến khởi động một phần Phân xưởng DTY trong tháng 3 và từng bước nâng dần công suất phân xưởng này để tạo tiền đề cho việc khôi phục toàn Nhà máy. “Thời gian sản xuất là 6 tháng (từ ngày 20/3 đến 20/9/2018) trong khi chờ kết quả lựa chọn đối tác hợp tác, với sản lượng 1.153 tấn sợi DTY 75/72D, doanh thu 44,16 tỷ đồng, lợi nhuận trước chi phí cố định 0,15 tỷ đồng”, ông Ngọc thông tin.
Về phương án tìm đối tác hợp tác, PVTex đã nhận được hồ sơ đề xuất của Công ty cổ phần An Phát Holdings - đơn vị đứng đầu liên danh giữa Công ty cổ phần An Phát Holdings, Công ty Reliance Industries Limited (Ấn Độ) và Công ty Fortrec Chemicals & Petroleum Pte Ltd (Singapore). PVTex đã hoàn tất công tác tổ chức đánh giá hồ sơ, đàm phán các điều khoản chi tiết với đối tác này, với sự hỗ trợ của PVN và Tổng công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo).
Từng là cổ đông trong dự án này, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, việc khởi động lại một phần Phân xưởng DTY trong thời điểm hiện nay là phương án an toàn và có tính khả thi hơn cả. Theo ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex, nếu kết hợp được với đối tác nhiều kinh nghiệm trong mảng xơ sợi, chấp thuận bỏ vốn cùng khai thác, vận hành sản xuất và bao tiêu sản phẩm, sẵn sàng chung thuyền thì không mong gì hơn. “Đến giờ phút này, có lẽ đây là phương án an toàn nhất và khả thi hơn cả, bởi quan điểm của Chính phủ là không bơm thêm vốn nhà nước cho dự án”, ông Hiếu nói.
Cho rằng, phương án tái khởi động từng phần dự án là an toàn, song đại diện Vinatex cũng chỉ ra không ít cái khó của việc tái khởi động một phần Nhà máy, trong đó có vấn đề con người. Hiện từ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật tới công nhân… đều tan tác hết và cần phải tập hợp lại họ để dồn sức cho giai đoạn khởi động này.
Mấu chốt là tiền trả nợ
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chính phủ về xử lý các tồn tại, yếu kém tại một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh cho rằng, vướng mắc chính là quy định không được sử dụng tiền nhà nước để xử lý các dự án thua lỗ.
“Mấu chốt để các dự án tái khởi động được là phải có tiền để trả nợ tiền điện, trả nợ đối tác, tiền thuê luật sư tham gia giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC… và PVN, với tư cách là nhà đầu tư”, ông Thanh nói.
Theo tính toán, muốn tái khởi động toàn bộ Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ, cần ít nhất 256 tỷ đồng. Đại diện một doanh nghiệp xơ sợi tại Nam Định cho rằng, trong hoàn cảnh của Nhà máy, không được lấy vốn của PVN, thì chỉ còn cách trông chờ vào vốn của đối tác nào đó đồng ý bơm tiền vào.
Trước thực trạng không mấy khả thi hiện nay, Chủ tịch PVTex Đào Văn Ngọc đã đưa ra hàng loạt đề xuất trọng điểm như: xem xét cho PVTEX rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, không tính khấu hao tài sản cố định tối thiểu 3 năm đầu sản xuất; hỗ trợ pháp lý nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến đối tác trong quá trình hợp tác (nếu có); tiếp tục duy trì thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xơ hiện nay là 2%, xem xét nâng lên 5% trong giai đoạn đầu Nhà máy đi vào vận hành; miễn thuế nhập khẩu POY từ 3% xuống 0%; chỉ đạo PVN hỗ trợ, cung cấp điện liên tục ổn định cho PVTex.
Về kế hoạch dài hạn, đại diện PVTEX xác nhận, trong tháng 4/2018, Công ty sẽ trình cấp thẩm quyền các kịch bản khác nhau và đề xuất phương án ít thiệt hại nhất cùng các cơ chế, chính sách bảo đảm phương án khả thi nhất.
Với hiện trạng nợ nần, thiếu vốn cùng hàng loạt vấn đề liên quan như bị thua kiện trong vụ tranh chấp với Khu công nghiệp Đình Vũ, không có khả năng thu xếp nguồn trả nợ nên bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án, phong tỏa tài khoản, tạm thu giữ tài sản, tạm dừng chuyển nhượng quyền sở hữu…, thì tương lai của Nhà máy vẫn rất mờ mịt…
Việc PVTEX kiến nghị một loạt ưu đãi nhằm có thêm cơ hội thuận lợi để tái khởi động Nhà máy là không thực tế. Đơn cử, PVTEX đã được ưu ái nhiều khi được hưởng thuế xơ 2% trong suốt một thời gian dài mà vẫn không thể duy trì Nhà máy. Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đang kiến nghị bỏ quy định tăng mức thuế nhập khẩu từ 0% lên 2% đối với xơ polyester, do các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc vào kênh nhập khẩu.