Một đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang chờ dọn vệ sinh trước khi đưa vào khai thác. |
Theo thông tin từ Bộ GTVT, sau lễ khánh thành (dự kiến vào sáng ngày 29/4), các phương tiện giao thông sẽ chính thức được phép lưu thông miễn phí trên tuyến tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây kể từ 0h, ngày 30/04/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Trước mắt, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây chỉ thông 3/7 nút giao, gồm: nút giao với cao tốc Long Thành; nút giao với Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai; nút giao đường nối Ba Bàu với Quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây được chạy với tốc độ tối đa 120 km/h và tốc độ tối thiểu 60 km/h.
Bộ GTVT dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ tại Km47+500 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận (bố trí hai bên cao tốc) và đã giải phóng mặt bằng, đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Đối với các trạm dừng nghỉ, nhà đầu tư tự bỏ kinh phí thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý kinh doanh trạm dừng nghỉ theo đúng quy định của pháp luật.
Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có chiều dài tuyến khoảng 99 km đi qua các tỉnh: Bình Thuận (chiều dài khoảng 47,5 km) và tỉnh Đồng Nai (chiều dài khoảng 51,5 km). Chiều dài đoạn tuyến nối từ cao tốc đến Quốc lộ 1 khoảng 2,6 km.
Dự án có điểm đầu nằm trên tuyến đường từ Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (cách Quốc lộ 1 khoảng 2,6 km), tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125 (theo lý trình dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) thuộc xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Tuyến được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A vận tốc thiết kế 120 km/h; đoạn tuyến nối cao tốc với Quốc lộ 1 xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến có quy mô 6 làn xe bề rộng nền đường 32,25 m; quy mô giai đoạn phân kỳ gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp với bề rộng nền đường 25 m. Đoạn tuyến nối đường cao tốc với Quốc lộ 1 có bề rộng nền đường 16 m.
Dự án đi qua địa phận các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân của tỉnh Bình Thuận và các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, thị xã Long Khánh của tỉnh Đồng Nai.
Dự án có tổng mức đầu tư 12.577,5 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, do Ban quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 9/2020.
Đến hết tháng 4/2023, Dự án đã hoàn thành thi công toàn bộ các hạng mục công trình: Nền, móng, mặt đường, công trình thoát nước (cầu, cống), đường gom, hệ thống an toàn giao thông (hộ lan, dải phân cách, sơn kẻ đường, cọc tiêu, biển báo…), đảm bảo đủ điều kiện để đưa hạng mục công trình: Tuyến chính từ Km0+00 - Km99+00 (Bao gồm cả các cầu, cống, hầm chui); nút giao Quốc lộ1 (Km62+997,16); nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (Km99+000) đưa vào khai thác vào dịp 30/4/2023 theo kế hoạch.
Riêng các hạng mục còn lại: Cầu vượt ngang, đường gom dân sinh và các Nút giao Quốc lộ 55 (Km27+345), nút giao TL270 (Km38+088), nút giao ĐT756 (Km 69+450); nút giao Quốc lộ 56 (Km84+580) dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/6/2023 (nhưng không ảnh hưởng đến việc thông xe đưa chính tuyến vào khai thác).
Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1. Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Trung bộ; cũng như từ Bắc vào Nam.