Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu lãnh đạo nhà mạng nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục, không để tái diễn tình trạng bán sim rác trên thị trường. |
Thanh tra ra… sim rác
Cuộc thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao vừa được Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Thanh tra Bộ đã phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý và bán sim điện thoại di động.
Cụ thể, các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gmobil đã để xảy ra nhiều trường hợp một người dùng Chứng minh thư nhân dân đăng ký nhiều sim. Viettel ký 35.960 hợp đồng cộng tác viên với các cá nhân không phải là nhân viên của Viettel để triển khai điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động... là nguyên nhân chính khiến sim rác vẫn còn tồn tại.
Ông Đỗ Hữu Trí, Phó chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện có không ít thuê bao người dùng thực tế không đúng với thông tin đã đăng ký. Thậm chí, có cá nhân đứng tên đăng ký thông tin cho vài chục ngàn thuê bao.
Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính đối với 5 nhà mạng hơn 777 triệu đồng, tịch thu 6.900 sim được đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ. Thanh tra Bộ đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung một số quy định như sử dụng thuê bao thoại thứ tư trở lên trên mỗi mạng di động phải trả thêm phí quản lý…
“Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương, kiểm tra, giám sát việc mua, bán sim trên thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đăng ký thông tin thuê bao di động, mua bán sim rác, ngăn chặn việc lợi dụng sử dụng sim rác để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thường xuyên theo dõi, giám sát hoạt động khuyến mãi dịch vụ thuê bao di động không đúng quy định trên địa bàn, xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh”, ông Đỗ Đình Rô, Trưởng phòng Thanh tra viễn thông và công nghệ thông tin (Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết.
Nhắc nhở lãnh đạo nhà mạng
Sau khi có kết quả thanh tra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có công văn gửi lãnh đạo 5 nhà mạng. Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, vẫn diễn ra tình trạng bán sim rác đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước trên thị trường, người sử dụng mua được sim kích hoạt sẵn mà không cần đăng ký khai báo thông tin thuê bao.
Nhà mạng đã thiết lập điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không đúng quy định; tiếp tục để các cá nhân bên ngoài không phải là người lao động của chính doanh nghiệp viễn thông theo Bộ luật Lao động, nhưng thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định và lưu động.
“Nhà mạng cung cấp dịch vụ cho nhiều tổ chức, cá nhân sở hữu với số lượng sim điện thoại lớn, bất thường hoặc đăng ký nhiều lần. Tuy nhiên, chính nhà mạng đã không thể hoặc không thực hiện được việc rà soát, kiểm tra, giám sát bảo đảm các sim này được sử dụng đúng quy định”, Công văn nêu rõ.
Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông nhắc nhở lần 1 với lãnh đạo các nhà mạng về việc để xảy ra tình trạng sim rác vẫn được bán trên thị trường sau khi Bộ đã có Văn bản số 866/BTTTT-TT ra ngày 26/3/2019. Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu lãnh đạo nhà mạng nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục, không để tái diễn tình trạng bán sim rác trên thị trường.
Nhà mạng nói không với sim rác
Sau khi có công văn nhắc nhở, 3 nhà mạng có thị phần lớn nhất là Viettel, VNPT, MobiFone đã cùng cam kết dừng bán sim mới trên kênh phân phối ủy quyền từ 0h ngày 1/6/2020.
Thay vào đó, nhà mạng chỉ bán sim, đăng ký thông tin thuê bao tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của nhà mạng. Các bộ KIT cũ vẫn được đăng ký theo quy định và bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được coi là biện pháp mạnh mà 3 doanh nghiệp trên triển khai và cũng là giải pháp quan trọng nhằm xử lý triệt để sim rác.
Theo ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, hiện 80% số cuộc gọi rác đến từ sim điện thoại không chính danh, do vậy, nếu không có giải pháp mạnh thì không thể ngăn chặn được vấn nạn này. “Viettel cam kết áp dụng các giải pháp chặn nạn sim rác và từ năm 2020 không đặt mục tiêu tăng trưởng phát triển thuê bao mới”, ông Thắng nói.
Ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty MobiFone cũng khẳng định, nhà mạng này đã nghiêm túc thực hiện việc dừng bán sim mới tại các đại lý ủy quyền. Đây là giải pháp hiệu quả ngăn chặn nạn sim rác, cuộc gọi rác, song không làm ảnh hưởng đến các thuê bao đang hoạt động.
Còn để ngăn chặn các cuộc gọi rác, một số nhà mạng đang áp dụng quy trình hỗ trợ khách hàng theo các bước tiếp nhận phản ảnh, xác minh hiện tượng, nhắc nhở các công ty quảng cáo/nhà đất... khi có các cuộc gọi quảng cáo làm phiền khách hàng và được khách hàng phản ánh về tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Viễn thông đánh giá, việc các nhà mạng cùng cam kết dừng phát hành sim mới trên kênh phân phối vừa qua là một giải pháp mạnh, là hành động thể hiện quyết tâm của cơ quan quản lý, nhà mạng nhằm ngăn chặn vấn nạn sim rác.