Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phạt nặng những nhà mạng để sim rác lộng hành. |
Thanh tra ra... sim rác
30 triệu đồng là số tiền mà Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt Chi nhánh Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile tại Đà Nẵng (VNM Đà Nẵng). Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đột xuất điểm bán sim lưu động của VNM Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và phát hiện điểm bán sim này có 58 sim đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước. Tiếp tục kiểm tra, Đoàn còn phát hiện thêm 76 sim đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước.
Đây là “phát súng” đầu tiên của đợt thanh tra diện rộng ở 63 tỉnh, thành phố về quản lý thông tin thuê bao điện thoại di động trên phạm vi toàn quốc, do Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện. Trong đó, tập trung thanh tra đối với các doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký hàng ngàn sim với thông tin thuê bao hợp pháp, nhưng không làm rõ được mục đích sử dụng để yêu cầu chấm dứt dịch vụ, đồng thời chấn chỉnh việc thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông di động.
Theo ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), bắt đầu từ ngày 1/10/2019, Bộ TT&TT tiến hành thanh tra việc xử lý sim rác trên diện rộng với sự tham gia của các Sở TT&TT. Đợt ra quân này khẳng định sự kiên quyết của Bộ với sim rác, một vấn đề gây nhức nhối lâu nay.
Bộ TT&TT cho biết, tính đến ngày 10/9/2019, các nhà mạng đã khóa 2 chiều hơn 2,1 triệu sim trong tổng số hơn 9 triệu sim khóa 1 chiều thuộc tập sim có dấu hiệu kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Số sim còn lại bao gồm các trường hợp khách hàng đã đến cập nhật lại thông tin, hoặc bị hủy do quá thời hạn sử dụng gói cước.
Tuy nhiên, Thanh tra Bộ TT&TT thừa nhận, hiện nay, sim rác vẫn được bày bán công khai, người dân không cần giấy tờ tùy thân vẫn có thể mua để sử dụng một cách dễ dàng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh.
Các văn bản pháp luật hiện hành không giới hạn số lượng sim mà người dân, tổ chức, doanh nghiệp được sử dụng. Lợi dụng quy định này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký thông tin cho hàng ngàn, hàng chục ngàn, thậm chí vài chục ngàn sim thuê bao điện thoại di động, nhưng không rõ các sim này đang ở đâu, do ai đang sở hữu sử dụng.
“Nghiêm lệnh” chặn sim rác
Để ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng và phát tán sim rác, tin nhắn rác, Bộ TT&TT sử dụng nhiều biện pháp “rắn”. Trước hết là ban hành văn bản chấn chỉnh các doanh nghiệp trên tinh thần người đứng đầu doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu còn tồn tại sim rác. Cùng với đó, yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng hệ thống nhận dạng hình ảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ gia tăng tính chính xác trong việc đăng ký thông tin thuê bao.
Đầu tháng 9/2019, Viettel, VNPT, MobiFone là 3 doanh nghiệp đã chính thức áp dụng ứng dụng AI trong việc đăng ký thông tin thuê bao tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp.
Bộ TT&TT cũng đã hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các tiêu chí ngăn chặn các kênh phân phối sử dụng thông tin không chính danh để đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn sim thuê bao; áp dụng các tiêu chí sàng lọc, phát hiện các sim có dấu hiệu nghi vấn kích hoạt sẵn trên kênh phân phối, tiến hành các biện pháp xử lý, thu hồi.
Tại cuộc họp giao ban quý III/2019 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT đã có cơ chế mới để quản lý sim rác. Theo đó, Bộ sẽ gắn trách nhiệm trong việc xử lý sim rác với Chủ tịch và Tổng giám đốc các nhà mạng. Đến lần vi phạm thứ 3, Bộ sẽ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp xử lý hành chính đối với lãnh đạo các nhà mạng.
Bộ TT&TT cũng đề ra cơ chế, nếu nhà mạng nào không xử lý được sim rác, sẽ không cấp phép dịch vụ mới cho nhà mạng đó, đặc biệt là với dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (mobile money).