Nhiều trải nghiệm khác biệt, lý thú
Ngày 24/10, UBND huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) phối hợp với Việt Nam DMC Product tổ chức Tọa đàm “Du lịch Lâm Bình tiềm năng, thực trạng và giải pháp”.
Báo cáo tình hình về phát triển du lịch huyện Lâm Bình cho biết, những năm qua, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang. Huyện đã huy động vốn, thu hút đầu tư, từng bước phát triển kinh tế du lịch, phát triển và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) và các dịch vụ phục vụ du lịch.
Năm 2016, huyện có 16 hộ làm homestay, đến nay đã có 24 hộ làm homestay. Du khách đến với Lâm Bình sẽ được trải nghiệm tham quan lòng hồ bằng thuyền, chèo thuyền kayak, trecking rừng, thăm thác, khám phá nghề dệt thổ cẩm, dịch vụ cưỡi ngữa, thăm quan bản làng, mua sắm các sản phẩm quà lưu niệm từ tre, thổ cẩm, đặc sản địa phương. Cùng với đó là khám phá các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng Tông, nhảy lửa, nghi lễ cấp sắc…
Năm 2016, huyện Lâm Bình thu hút trên 13.500 khách, năm 2019 con số này đạt hơn 120.000 lượt khách. Đây là con số còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Tại buổi Tọa đàm, đại diện chủ các homestay và người làm du lịch tại Lâm Bình mong muốn được cơ quan quản lý nhà nước tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn, rút kinh nghiệm cho họ vì đa phần người làm du lịch tại Lâm Bình là nông dân lớn tuổi, lại “tay ngang”, xuất phát điểm không có kỹ năng, ngoại ngữ. Đồng thời, hỗ trợ các hộ làm homestay chỉnh trang, nâng cấp đường đi vào cơ sở lưu trú, khu du lịch để hấp dẫn du khách.
Mặt khác, người làm du lịch Lâm Bình cũng mong muốn được các doanh nghiệp lữ hành giúp đỡ, điều tiết khách đến địa phương nhiều hơn, thường xuyên hơn; liên kết, quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng của du lịch Lâm Bình đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế để du lịch Lâm Bình phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Đóng góp cho lãnh đạo huyện Lâm Bình và bà con làm du lịch tại địa phương, bà Vân Anh, Chủ tịch HĐQT Falamingo Redtour khẳng định: “Lâm Bình có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, lần đầu tiên đến đây, tôi thấy rất ấn tượng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành còn thiếu quá nhiều thông tin về du lịch Lâm Bình nói riêng, Tuyên Quang nói chung. Do đó, huyện cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, đặc biệt là làm sao khoe ra được những thông tin về điểm đến, trải nghiệm, sản phẩm độc đáo”.
Cũng theo bà Vân Anh, hạ tầng giao thông đến Lâm Bình còn nhiều khó khăn, trong tương lai cần cải thiện để du khách thuận lợi hơn.
Hiện nay, khách đến Lâm Bình chủ yếu đi trong ngày hoặc nghỉ lại 1 đêm, để du khách ở lâu, chi nhiều tiền hơn, bà Vân Anh cho rằng: “Các nhà quản lý cần quan tâm phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ cả ăn, ngủ, nghỉ, đồ lưu niệm, cửa hàng tiện lợi… Và để chất lượng du lịch Lâm Bình được nâng lên cũng như phát triển bền vững, công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người làm du lịch cũng cần phải chú trọng hơn nữa trong thời gian tới”.
Đồng tình với bà Vân Anh, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Điều hành Vietrantour đề xuất địa phương có slogan nhận diện thương hiệu du lịch, để nhắc đến là mọi người đều nghĩ ngay đến du lịch Lâm Bình, định hướng phát triển cũng như tiêu chí của du lịch Lâm Bình. Các doanh nghiệp lữ hành sẽ bám vào các tiêu chí đó để xây dựng các sản phẩm cụ thể.
“Hiện tại, Vietrantour đang bán các tour nghỉ dưỡng đến Lâm Bình, như vậy là chưa khoe hết được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Sáng nay đi xe máy tham quan 60 phút quanh xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tôi nghĩ huyện có thể phát triển thêm tour trải nghiệm bằng xe đạp, xe máy, hay tour 1 ngày làm nông dân cũng sẽ rất hút khách. Hay diện tích rừng của Lâm Bình rất lớn với 3/4 diện tích, trong đó có rất nhiều cây thuốc, bài thuốc giá trị của đồng bào dân tộc, thì việc phát triển tour chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng sẽ là điểm đặc hấp dẫn của du lịch Lâm Bình so với các địa phương lân cận. Đây cũng là xu hướng của du khách hậu Covid-19”, bà Huyền nói.
Bổ sung thêm ý kiến, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel cho rằng: “Huyện Lâm Bình nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung cần có quy hoạch để phát triển du lịch bền vững. Là địa phương phát triển du lịch sau rất nhiều các địa phương khác, bất lợi đó lại là lợi thế của Lâm Bình nói riêng, Tuyên Quang nói chung khi có thể rút được kinh nghiệm, bài học của những điểm đến đi trước, đặc biệt biệt là bài học về vỡ quy hoạch tại Sa Pa, Phú Quốc hay hồ Ba Bể,…”.
Ông Đạt cho rằng, bên cạnh phát triển homestay, chính quyền địa phương cũng cần dành quỹ đất có địa thế đẹp để mời gọi các nhà đầu tư mở resort 5 sao phục vụ dòng khách cao cấp, hay khách sạn 3 sao phục vụ khách đại chúng.
“Việc thành lập những hợp tác xã làm đầu mối bao tiêu, giới thiệu sản phẩm, đặc sản địa phương đảm bảo chất lượng, xanh, sạch cũng sẽ kích thích chi tiêu của du khách, và giúp họ cảm thấy thỏa mãn nhu cầu mua sắm”, ông Đạt gợi mở.
Bên cạnh đó, ông Đạt cho rằng, cảnh quan hai bên đường và các homestay cần được cải thiện hơn với những loại hoa và điểm check-in với những hình tượng mang tính biểu tượng của du lịch Lâm Bình để tạo tác động, hiệu quả truyền thông…
Đặt yếu tố bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường lên hàng đầu
Cũng tại Tọa đàm, các doanh nghiệp đón khách quốc tế đến Việt Nam chia sẻ, họ rất ấn tượng khi có lại được cảm xúc đi tour cách đây khoảng 20 năm trước, khi được khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc, thiên nhiên hoang sơ.
Góp ý cho du lịch Lâm Bình nhiều vấn đề để địa phương có thể thu hút dòng khách này, đại diện các doanh nghiệp inbound, bà Thái Thanh Lan, Trưởng đoàn Việt Nam DMC Product tóm tắt ý kiến: Lâm Bình cần đặt yếu tố bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường lên hàng đầu; có nguồn vốn cho người dân tiếp cận với hình thức cho vay để họ đầu tư phát triển du lịch; kết nối với các địa phương khác.
Đặc biệt, huyện cần quy hoạch hai mảng khách nội địa và khách quốc tế tương đối rõ ràng vì hai dòng khách này thường có nhu cầu, sở thích, yêu cầu, tâm lý, sở thích khá xung khắc với nhau. Đơn cử, nếu nơi nào đón quá nhiều khách nội địa thì khách nước ngoài lại không muốn đến vì họ thích sự yên bình, thanh vắng.
Lâm Bình cũng cần quy hoạch vùng du lịch đặc sắc, trong đó đặc biệt lưu ý bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa nguyên gốc để những giá trị ấy được thăng hoa.
Bên cạnh đó, thương hiệu của Lâm Bình cần gắn với một sản phẩm chính để khi nhắc đến Lâm Bình là mọi người nghĩ ngay đến sản phẩm đó. Hoạt động trecking rừng nguyên sinh với những cây nghiên cổ thụ, tổ chức lễ hội mang tính chất hoạt động thể thao mặt nước cũng sẽ là lợi thế của Lâm Bình. Dịch vụ trải nghiệm làm đồng, trải nghiệm cuộc sống cùng đồng bào, tour trải nghiệm bằng xe đạp, xe máy hứa hẹn hấp dẫn du khách quốc tế...
Cuối buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dưng, Bí thư Huyện Ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cảm ơn những gợi ý, đóng góp, chia sẻ của các doanh nghiệp lữ hành. Ông khẳng định sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến để định hướng, đồng hành cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển du lịch Lâm Bình bền vững, hiệu quả.
Trước buổi Tọa đàm, hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam DMC Product (chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam) và các doanh nghiệp lữ hành nội địa đã có hơn 2 ngày khảo sát du lịch Lâm Bình nhằm giới thiệu, khám phá và trải nghiệm tiềm năng du lịch Lâm Bình, kết nối sản phẩm tour liên vùng với các tỉnh lân cận.
Đoàn đã đến xã Hồng Quang xem trích đoạn nghi Lễ cấp sắc và trải nghiệm một số hoạt động công việc hàng ngày của bà con; tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của người Mông, người Dao, người Pà Thẻn. Trải nghiệm thêu thổ cẩm, đan nong và nia, giỏ đựng cá, ốc , làm bánh; thưởng thức nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn.
Đoàn cũng đã đi thăm thác Khuổi Nhi, thưởng thức massage chân tự nhiên; thưởng ngoạn cảnh quan lòng hồ thủy điện Tuyên Quang; khám phá hang Khuổi Pín; treking 1,5 km qua rừng nguyên sinh; chèo thuyền Kayak quanh khu vực Cọc Vài; tìm hiểu nghề dệt của đồng bào Tày; khám phá xã Thượng Lâm bằng xe máy; thưởng thức ẩm thực phong phú của núi rừng; trải nghiệm và giao lưu văn nghệ của đồng bào với hát then, hát cọi, đàn tính, múa khèn cùng các trò chơi dân gian…