Thời sự
Tuyển sinh đại học: Cân nhắc kỹ càng, tâm lý vững vàng!
D.Ngân - 29/03/2022 14:55
Học ngành gì vừa không thất nghiệp, vừa phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân luôn là câu hỏi đầy băn khoăn cho những ai đang đứng trước cánh cửa đại học.

Chọn trường theo sở thích, đam mê

Các số liệu trên cho thấy một thực tế rằng, việc định hướng nghề nghiệp mới là cốt lõi trước khi học sinh quyết định chọn ngành, chọn nghề hay chọn trường.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022 mỗi trường đại học có những lựa chọn phương thức tuyển sinh khác nhau (20 phương thức xét tuyển cùng với nhiều phương thức kết hợp).

Học ngành gì vừa không thất nghiệp, vừa phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân luôn là câu hỏi đầy băn khoăn cho những ai đang đứng trước cánh cửa đại học.

Bên cạnh đó, mỗi cơ sở đào tạo năm nay có ít nhất 5 phương thức xét tuyển trở lên, khiến cho học sinh khó khăn hơn trong việc nắm bắt thông tin chọn trường, chọn ngành, chọn phương thức xét tuyển.

Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của của Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn tâm lý thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 

50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ. Có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với nghề đã chọn, vào học mới biết không hợp; hay 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau…

Tương tự, khảo sát của ngành giáo dục TP.Cần Thơ với hơn 12.000 học sinh thành phố trong năm học 2020 -2021 ghi nhận kết quả với hơn 55% học sinh không biết cách chọn ngành, nghề phù hợp; 45,2% học sinh không biết mình thích gì, giỏi gì; 77,6% mong muốn được tư vấn cách thức chọn nghề phù hợp với năng lực và đam mê bản thân…

Do vậy việc tư vấn giúp thí sinh chọn đúng trường, đúng ngành là việc tối quan trọng. Tại Chương trình tư vấn “Chọn chuẩn trường - Đi chuẩn đường” do HOCMAI phối hợp với Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, TS.Trần Bá Trình, Phó trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã thông tin cho thí sinh những hiểu biết sơ bộ về công tác tuyển sinh của trường này.

Theo đó, bên cạnh các phương thức tuyển sinh đại học đã áp dụng từ những năm học trước như xét tuyển thẳng; sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và tổ chức thi các môn năng khiếu để xét tuyển vào các ngành có xét tuyển môn thi năng khiếu, năm 2022 trường Đại học Sư phạm Hà Nội bổ sung phương thức tuyển sinh mới như xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực kết hợp với kết quả học THPT.

Kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức với mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội và nhằm phân loại tốt hơn năng lực của các thí sinh để tuyển chọn được tân sinh viên phù hợp với từng ngành đào tạo.

Thí sinh lựa chọn và thực hiện một hoặc một số bài thi (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí) sử dụng kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo của Trường. 

Mỗi ngành học sẽ xét tuyển dựa theo kết quả thi đánh giá năng lực 2 môn (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên, nếu có). 

Các ngành có thi năng khiếu sẽ xét theo tổng điểm thi năng khiếu kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên, nếu có). Trường sẽ tổ chức thi cả 8 môn trong một ngày, dự kiến vào 7/5/2022.

Nhằm tăng hiệu quả kỳ thi, trường Đại học sư phạm Hà Nội đã tổ chức xây dựng cấu trúc, ma trận các đề thi sao cho các bài thi đánh giá được các năng lực đặc thù để tuyển sinh vào ngành hoặc nhóm ngành đào tạo cụ thể của Trường.

Theo đó, thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy với thời gian mỗi môn từ 60 đến 90 phút. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo môn thi, bao gồm các câu hỏi kiểm tra khả năng lập luận, năng lực phân tích, đánh giá và sáng tạo. 

Sau khi tổ chức thi thử nghiệm và lấy ý kiến nhận xét, góp ý của các chuyên gia, giảng viên, giáo viên giàu kinh nghiệm, Trường đã điều chỉnh, hoàn thiện và sớm công bố các đề thi tham khảo trên cổng thông tin tuyển sinh của Trường.

Cũng theo TS.Trình, năm nay Trường có mở thêm một ngành mới là Ngôn ngữ Trung Quốc. Cơ hội việc làm theo đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với ngành này là rộng mở khi sinh viên sau khi ra trường có thể làm ở vị trí phiên dịch ở các đại sứ quán, các đơn vị dịch thuật công chứng. Sinh viên tốt nghiệp ra trường cũng có thể thực hiện các công việc tại các doanh nghiệp hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Ngoài ngành mới mở, những ngành “hot” truyền thống của Đại học Sư phạm Hà Nội dự báo cũng nhận được nhiều chú ý của thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay như Sư phạm Ngữ Văn, Sư phạm Tiếng Anh, Giáo dục mầm non- Sư phạm tiếng Anh, Giáo dục tiểu học- Sư phạm tiểu học tiếng Anh…

Đưa ra lời khuyên cho thí sinh khi chọn ngành đại diện Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, khi chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích và tính cách sẽ giúp mỗi người tăng cảm giác hài lòng trong công việc, từ đó mới mong cầu sự thăng tiến và thành công. 

Để có thể chọn đúng ngành nghề bản thân yêu thích lại phù hợp với nhu cầu lao động xã hội, theo TS.Trình việc cập nhập tin tức, xu hướng phát triển thời đại là điều hết sức quan trọng.

Khi nắm được điều này, các em sẽ không bị “sock” trước những đòi hỏi của thời đại mới, không ngừng trau dồi bản thân, nhanh nhạy và thích ứng với thị trường lao động. 

Không ôm đồm, tập trụng vào trọng tâm

Ngoài việc chọn đúng ngành thì việc ôn thi đạt kết quả là điều kiện tiên quyết với mỗi thí sinh trước cánh cửa vào đại học. Trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2021 và 2022 điểm chuẩn đại học tăng cao, một số thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt ngành học đăng ký.

Lý giải cho điều này xuất phát từ việc đề thi tốt nghiệp THPT có phần dễ hơn, tính phân hóa giảm. Do tình hình dịch bệnh, các trường trong 2 năm qua cũng giảm dần chỉ tiêu dựa vào điểm thi tốt nghiệp.

Trước những bất cập từ kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm 2022 nhiều trường đã mở rộng thêm nhiều phương thức xét tuyển, giảm chỉ tiêu xét bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. 

Tuy vậy, dù chỉ tiêu có giảm thì phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn chiếm phần lớn chỉ tiêu vào trường. 

Nhằm tăng chất lượng đầu vào nhiều trường đại học đã có kiến nghị tăng độ khó đề thi, tăng độ phân hóa thí sinh bằng việc tăng số lượng các câu hỏi khó để các trường top vẫn có thể tận dụng kết quả này khi tuyển sinh.

Theo khảo sát, chỉ có 24% phiếu bầu dành cho ý kiến giảm độ khó đề thi, chủ yếu dùng để xét tốt nghiệp còn lại chiếm phần nhiều dành cho kiến nghị tăng tính phân hóa đề thi để phù hợp với tuyển sinh đại học (76%).

Tưởng chừng như mùa tuyển sinh năm 2022 là mùa tuyển sinh đem đến cho thí sinh nhiều cơ hội bước vào đại học nhất khi các trường đa dạng phương thức tuyển sinh vào trường. 

Thực tế cho rằng, điều này đem đến nhiều khó khăn hơn cho thí sinh đặc biệt là những thí sinh không xác định rõ ràng đâu là phương thức xét tuyển chính của mình.

Cho đến thời điểm này, những thí sinh nào đang “ôm đồm” muốn sử dụng cả hai kết quả kỳ thi tốt nghiệp và đánh giá năng lực cần nên xem xét lại. 

Một kỳ thi có tính phân hóa cao, một kỳ thi cần ôn tập kiến thức tổng hợp chắc chắn sẽ làm thí sinh “phân tán” năng lực nếu theo đuổi cả 2 kỳ thi này. 

Thí sinh không nên coi nhẹ bất kỳ kỳ thi nào mà nên tập trung xác định kỳ thi chính để sử dụng làm điểm xét tuyển tránh việc thí sinh thi cả 2 kỳ thi nhưng đều trượt đại học.

Không kể đến trường hợp, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, việc tự tổ chức các kỳ thi riêng diễn ra không đồng đều, việc tổ chức các kỳ thi gây khó khăn cho nhà trường và thí sinh. 

Khác hẳn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề và chủ trì, luôn tạo điều kiện cũng như có nhiều giải pháp để kỳ thi được diễn ra trôi chảy và hằng niên.

Nhiều thí sinh xác định kỳ thi đánh giá năng lực là kỳ thi chính của mình nên kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ dùng để xét tốt nghiệp. Việc tăng độ khó của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng mang đến nhiều bất lợi cho những thí sinh này.

Trước vấn đề tăng độ khó đề thi, kỳ thi riêng diễn ra không đồng đều thầy Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia tư vấn tại HOCMAI có lời khuyên thí sinh nên ôn thi theo công thức “Tốt nghiệp +1”: Ôn thi tốt nghiệp với khối thi truyền thống làm chủ đạo. 

Sau đó chọn thêm phương thức thi phù hợp với năng lực của mình nhất như đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế, đánh giá tư duy,…Ôn thi theo cách này, thí sinh có thể tận dụng xét tuyển nhiều phương thức mà không cần ôn thi nhiều và tràn lan. Thí sinh cần xác định phương thức xét tuyển trọng tâm của mình.

Thầy Ngọc cho rằng, thí sinh cần kiên định và theo đuổi một cách nghiêm túc kỳ thi mà mình chọn lựa, đừng vì những thay đổi nhỏ bên ngoài mà bị tác động tới con đường đã chọn của mình. 

"Những thí sinh chắc chắc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học thì dù đề có tính phân hóa cao hơn cũng không làm các bạn hoang mang và hoảng loạn. Hãy cứ tập trung và dồn lực vào một kỳ thi để đem lại được hiệu quả cao nhất", chuyên gia của HOCMAI nêu.

Tin liên quan
Tin khác