Các ngân hàng sẽ không tăng tín dụng bằng mọi giá vì đã có quá nhiều bài học ở giai đoạn trước. Ảnh: Đức Thanh |
Hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận “bốc hơi”
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, theo thống kê, có tới trên 10.000 khách hàng của VietinBank bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với dư nợ hơn 300.000 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ. Hiện dư nợ 30.000 tỷ đồng của khách hàng bị ảnh hưởng đã được Ngân hàng tiến hành cơ cấu. Dự báo dư nợ bị ảnh hưởng sẽ còn tăng mạnh thời gian tới.
“Thời điểm này chưa phản ánh hết được mức độ ảnh hưởng của Covid-19 tới Ngân hàng. Với con số ước đoán khách hàng bị thiệt hại cũng như mức giảm lãi suất cho vay, giảm phí với ngân hàng, dự kiến lợi nhuận của VietinBank năm 2020 sẽ giảm 3.000-4.000 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra”, ông Thọ cho biết.
Theo ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank, Ngân hàng đang quyết liệt triển khai gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp với mức lãi suất giảm so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 đến 2,1%. Theo đó, doanh thu năm nay của Agribank sẽ giảm khoảng 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm khoảng 20%, trích lập dự phòng 16.000 - 18.000 tỷ đồng.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng
Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, hồ sơ khách hàng xin được cơ cấu nợ đang trong tình trạng quá tải. Lãnh đạo VIB cho biết, ngân hàng này đã cơ cấu lại được nợ cho 700 khách hàng, với tổng dư nợ 600 tỷ đồng. VIB đang nhận được rất nhiều đề nghị cơ cấu nợ và dự kiến sẽ xử lý cho 4.700 khách hàng, dư nợ 6.600 tỷ đồng trong 4 tuần tới.
Tại VPBank, theo đánh giá sơ bộ, Ngân hàng có hơn 80.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nếu dịch tiếp tục kéo dài, giãn cách xã hội tiếp tục được áp dụng, thì con số ảnh hưởng còn tăng mạnh. Tính đến ngày 21/4, VPBank đã cơ cấu nợ và giãn nợ cho hơn 6.000 khách hàng, trong đó hạ lãi suất cho hơn 2.000 khách hàng, cho vay mới hơn 3.000 khách hàng. Hiện vẫn còn hơn 10.000 hồ sơ cơ cấu nợ đang chờ xử lý.
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho hay, các ngân hàng đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, không tìm mọi cách đẩy tín dụng. Đến thời điểm này, ngành ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay cho 289 khách hàng với dư nợ gần 950.000 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với dư nợ trên 511.000 tỷ đồng. Ngoài ra, đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 63.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm hơn 12.000 tỷ đồng; miễn giảm phí thanh toán cho khách hàng đến hết năm 2020 trên 1.000 tỷ đồng…
Những con số hàng ngàn tỷ đồng mà doanh nghiệp được hỗ trợ trên đây cũng chính là con số lợi nhuận hao hụt mà các ngân hàng thương mại phải gánh năm nay.
Tuyệt đối không hạ chuẩn cho vay
Theo phản ánh của các ngân hàng, từ đầu tháng 4/2020 đến nay, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp rất thấp. Tín dụng tăng chậm cộng với việc giảm lãi vay, giãn nợ, cơ cấu nợ cho doanh nghiệp khiến lợi nhuận ngân hàng sẽ sụt giảm mạnh từ quý II/2020. Mặc dù lợi nhuận quý I của nhiều nhà băng vẫn lạc quan, song đây chỉ là con số hạch toán tạm thời, khó bù đắp được lợi nhuận sẽ suy giảm trong các quý tới.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến ngày 16/4, tín dụng toàn ngành tăng 0,78%, nghĩa là đã sụt giảm 0,52% trong nửa đầu tháng 4/2020.
Tín dụng tăng chậm đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận các nhà băng. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho hay, ngân hàng rất muốn cho vay, vì tín dụng tăng thì ngân hàng mới có lợi nhuận. Mặc dù vậy, các ngân hàng sẽ không tăng tín dụng bằng mọi giá vì đã có quá nhiều bài học ở giai đoạn trước.
“Với những khách hàng có đủ điều kiện, có phương án kinh doanh tốt, đương nhiên ngân hàng sẽ rất nỗ lực cho vay. Tuy nhiên, ngân hàng không thể hạ thấp điều kiện cấp tín dụng vì có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế sau này”, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chỉ đạo, với các dự án tốt, ngân hàng phải phục vụ ngay. Với các lĩnh vực sản xuất hàng thiết yếu, ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay xuống thấp nhất có thể. Tuy nhiên, các ngân hàng tuyệt đối không được nới lỏng tín dụng, hạ chuẩn vay để tránh hệ lụy cho nền kinh tế.