Cụ thể, tỷ giá niêm yết tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) trong ngày 21/12 ở mức 22.720 - 22.790 đồng/USD. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tốp sau như: Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bán ra USD ra cao hơn một chút, 22.720 - 22.800 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tỷ giá trung tâm của VND với USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết trong ngày 21/12 đã ở mức 22.154 đồng/USD, tăng 6 đồng so với một ngày trước đó. Đây là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao, trong chiều ngày 21/12, tỷ giá trên thị trường tự do ở mức 23.300 đồng/USD.
. |
Theo nhiều nhà phân tích tài chính, sở dĩ tỷ giá vẫn tiếp tục tăng là do áp lực sau động thái tăng lãi suất USD vừa rồi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đồng bạc xanh đã tăng giá khá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt, nhưng điểm đáng chú ý hơn, đó là việc nâng dự báo tốc độ tăng lãi suất năm 2017 tại cuộc họp diễn ra vào tuần trước của Fed đã tạo lực đẩy cho USD.
Nhóm tư vấn tiền tệ Ngân hàng Eximbank cho rằng, USD sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới. Kỳ vọng các chính sách tăng chi tiêu cũng như cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kích thích lạm phát tại Mỹ, qua đó khiến Fed tăng lãi suất nhanh hơn trong tương lai.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) nhận định, tỷ giá trong nước theo chiều hướng nhích lên và chưa hết áp lực. Theo ông Hải, một khi USD tăng sẽ kéo theo đà tăng của tỷ giá trong nước. Trong khi đó, nguồn kiều hối đang có dấu hiệu chững lại những tháng cuối năm kể từ sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống, thay vì thường tăng cuối năm. Một vấn đề khác cũng có thể tính đến, đó là vào thời điểm cuối năm nhu cầu đảo nợ vay nước ngoài của Chính phủ, cũng như nhu cầu thanh toán hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp tăng… chính là các yếu tố tác động đến tỷ giá.
Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối Việt Nam được công bố luôn tăng và NHNN cho biết, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết. Do vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng, cung - cầu ngoại tệ vẫn cân bằng.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Trung Minh, tỷ giá nhích dần trong thời gian qua và chưa dừng lại, trước hết là do yếu tố mùa vụ. Hiện nay, thị trường đang bước vào những tuần cuối cùng của năm 2016, nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp với đối tác nước ngoài tăng. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như có những lo ngại về việc ông Donald Trump sẽ từ bỏ TPP. Những yếu tố này có thể khiến nhiều người lo ngại, đã tác động lên tỷ giá.
Cũng theo ông Minh, cầu ngoại tệ thanh toán của doanh nghiệp sẽ giảm khi kết thúc năm tài chính 2016. Mặt khác, NHNN cũng đã đưa ra thông điệp sẵn sàng bán ngoại tệ ra để điều tiết thị trường. NHNN cho biết, từ đầu năm đến nay, số ngoại tệ mua được khoảng hơn 6 tỷ USD, đủ để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho cả năm. Vì thế, theo quan điểm của ông Minh, chưa nên đặt vấn đề có nên phá giá VND hay không, quan trọng là điều hành tỷ giá phải gắn với điều hành kinh tế vĩ mô nói chung sao cho có lợi cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cũng trấn an, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát. “Tuy tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do đã vượt ngưỡng 23.000 đồng/USD trong 2 tuần nay, nhưng giao dịch cũng không mấy sôi động”, ông Minh nhận xét.