Sáng nay (15/9/2024), Tại Hà Nội, Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chương trình WeTalk “Đầu tư gì cuối năm 2024?”.
Theo ông Trần Ngọc Báu, các nền kinh tế thế giới đang suy yếu, đà tăng trưởng chậm lại, dẫn tới chính sách tiền tệ quay lại nởi lỏng định lượng và định tính.
Bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tác động mạnh tới Việt Nam. Năm nay, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. Thực tế, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đã đạt mục tiêu đề ra (6,42%) và khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là rất cao. Mặc dù vậy, động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu đến từ bên ngoài (xuất khẩu và khu vực FDI). Trong nước, từ sức khỏe của doanh nghiệp đến khu vực tiêu dùng đều còn yếu.
Ông Trần Ngọc Báu, Founder & Chairman Wigroup. Ảnh Chí Cường |
Về lạm phát, đầu năm nay tình hình lạm phát khá căng thẳng, nhưng thời điểm hiện tại đã hạ nhiệt. Mặc dù cơn bão Yagi gây ra ẩn số về lạm phát thời gian tới, song với khả năng tự cung tự cấp tốt của người Việt, cộng với các vùng chăn nuôi heo lớn không bị ảnh hưởng, khả năng lạm phát cả năm vẫn chỉ xoay quanh 4%.
Đặc biệt, theo ông Báu, diễn biến tích cực của tỷ giá đang tác động tích cực tới nền kinh tế trong nước. “Sau khi ECB hạ lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6/2024, tiếp đến Fed cũng phát tín hiệu hạ lãi suất thì tỷ giá trong nước đã bất ngờ quay đầu giảm và giảm rất nhanh. Nếu như 4-5 tháng trước đây, tỷ giá vô cùng “ngộp thở” thì trong vòng một tháng rưỡi vừa qua, tỷ giá giảm rất nhanh. Tỷ giá xuôi chèo mát mái một phần nhờ Fed thay đổi chính sách tiền tệ, một mặt nhờ NHNN đã bán ra khoảng 6,5 tỷ USD để can thiệp thị trường, đưa dự trữ ngoại hối xuống còn 83 tỷ USD. Trong đợt can thiệp thị trường vừa qua, NHNN đã phản ứng nhanh và rất may mắn là Fed cũng hành động nhanh, nhờ vậy áp lực tỷ giá nhanh chóng hạ nhiệt”, ông Báu nhận định.
Theo chuyên gia này, áp lực tỷ giá không còn đồng nghĩa với yếu tố “cản đường” tăng trưởng kinh tế không còn. Chính sách tiền tệ trong nước cũng sẽ nới lỏng đồng pha với xu hướng chính sách tiền tệ trên thế giới. Thêm vào đó, áp lực lạm phát cũng không lớn.
Tất cả các yếu tố này sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế, với sự dẫn dắt của khu vực xuất khẩu và FDI. Nói cách khác, kinh tế Việt Nam đang đứng tước cơ hội mới khi chu kỳ nới lỏng bắt đầu. Tuy vậy, nền kinh tế cũng đang đứng trước thách thức lớn, đó là sự phục hồi này phụ thuộc rất lớn và khu vực nước ngoài, sức khỏe nội tại còn yếu. Chưa kể, kinh tế Việt Nam hiện khỏe hơn so với kỳ vọng song vẫn yếu so với nội lực từ trước đến nay (tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn trước thường xuyên trên 7%/năm).
Do đó, ông Trần Ngọc Báu cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, kinh tế Việt Nam “vui nhưng đừng vui quá”, bởi nền kinh tế đang đứng trước nhiều cơ hội, song cũng rất nhiều thách thức và rủi ro.