Ngân hàng - Bảo hiểm
Tỷ giá khó biến động
- 27/11/2018 10:28
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, từ nay đến cuối năm, nếu đồng nhân dân tệ không biến động thêm, tỷ giá tiền đồng khó tăng.

Nhận định của ông về xu hướng tỷ giá tiền đồng từ nay đến cuối năm?

Trước căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và lộ trình tăng tiếp trong thời gian tới sẽ có tác động nhất định lên tỷ giá, song tiền đồng vẫn được xem là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. 

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam.

Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2018, nếu đồng nhân dân tệ không biến động thêm, tỷ giá sẽ khó tăng. Nếu đồng nhân dân tệ phá giá tiếp, tỷ giá có khả năng điều chỉnh thêm khoảng 0,5%. Từ đầu năm 2018 đến nay, tỷ giá tăng khoảng 2,6%. Với mức tăng 2-3% đối với tỷ giá trong cả năm nay, theo tôi là mức chấp nhận được. Tỷ giá từ nay đến cuối năm 2018 sẽ tiếp tục được kiểm soát linh hoạt, ổn định. 

Cầu về tín dụng ngoại tệ của doanh nghiệp cuối năm tăng, có gây áp lực lên tỷ giá không, thưa ông?

Các doanh nghiệp được vay bằng ngoại tệ hiện nay rất ít và đa phần chuyển sang vay tiền đồng. Các doanh nghiệp được vay USD chủ yếu là trong lĩnh vực xuất khẩu, vì vậy, việc gia hạn cho vay ngoại tệ sang năm sau cũng không tạo áp lực lên tỷ giá và ngay cả khi nhìn vào cán cân thanh toán thương mại của Việt Nam hiện nay cũng là thặng dư dương; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng. 

Trong năm nay, có thêm một số doanh nghiệp trong nước bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, giúp gia tăng một lượng ngoại tệ chảy vào Việt Nam. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước có thể an tâm trong điều hành tỷ giá những tháng cuối năm và cung - cầu gặp được nhau. Các doanh nghiệp có nhu cầu về ngoại tệ và đủ điều kiện có thể mua được ngoại tệ. 

Sức ép tỷ giá vẫn có và liệu những tháng còn lại của năm tỷ giá có ổn định, thưa ông?

So với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ trong khu vực thì tỷ giá tiền đồng của Việt Nam thời gian qua được kiểm soát ổn định. Nhìn chung, các yếu tố vĩ mô của Việt Nam tương đối tốt; thặng dư thương mại dương khoảng 6 tỷ USD những tháng đầu năm 2018; nguồn vốn FDI, FII vẫn tích cực đổ vào Việt Nam (FDI khoảng 13,5 tỷ USD và FII khoảng 1,7 tỷ USD từ đầu năm đến nay). 

Tuy nhiên, trong bối cảnh Fed tiếp tục tăng lãi suất, chắc chắn sẽ khiến USD tăng giá, gây ảnh hưởng nhất định tới đồng Việt Nam. 

Theo ông, lãi suất tiền đồng sẽ ra sao khi Fed tiếp tục tăng lãi suất?

Fed có khả năng tăng lãi suất thêm 0,25% vào cuối năm nay và tăng thêm khoảng 0,75% vào năm sau. Lãi suất tiền đồng sẽ chịu áp lực nhất định khi Fed tăng lãi suất và sẽ theo chiều hướng tăng lên. 

Theo tôi, lãi suất tiền đồng cũng phải có mức điều chỉnh tương ứng, khoảng 0,75%. Việc lãi suất tiền đồng tăng cũng nhằm làm giảm việc găm, giữ ngoại tệ như thời gian trước. 

Bên cạnh đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay ở mức 4%, nhưng năm sau có thể lên 4-4,5%. Đó cũng là nguyên nhân tác động khiến lãi suất tiền gửi năm sau sẽ tăng.

Tin liên quan
Tin khác