Ngân hàng - Bảo hiểm
Không vội điều chỉnh chính sách tỷ giá
Hà Tâm - 28/09/2018 09:00
Dù đang trong tâm bão của chiến tranh thương mại, song cuộc chiến tiền tệ vẫn chưa được hai “nhân vật chính” là Mỹ và Trung Quốc châm ngòi. Các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam không nên vội vã điều chỉnh chính sách tỷ giá.
TIN LIÊN QUAN

Vũ khí tiền tệ là con dao hai lưỡi

Quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất trong phiên họp kết thúc hôm qua (ngày 27/9 theo giờ Việt Nam) không nằm ngoài dự đoán của thị trường. Đến thời điểm này, đường hướng chính sách lãi suất của Fed vẫn không thay đổi, bất chấp sự chỉ trích nhiều lần của Tổng thống Mỹ (ông Donald Trump cho rằng, Fed không nên tăng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ).

Có quan hệ thương mại với nhiều nền kinh tế, Việt Nam chỉ nên điều chỉnh tỷ giá ở biên độ lớn nếu nhiều đối tác phá giá mạnh đồng tiền của họ. Ảnh: Đức Thanh

Theo GS. Andreas Hauskrecht (Đại học Indiana, Nhóm Sáng kiến Việt Nam), các quyết định của Fed dựa chủ yếu vào sức khỏe nội tại của nền kinh tế Mỹ, Tổng thống không thể can thiệp. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc lại chỉ chiếm 0,9% GDP của Mỹ, tác động của chiến tranh thương mại này chưa lớn tới mức khiến Fed thay đổi định hướng chính sách của mình.

Với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại với Mỹ đang gây tác động nặng nề, NDT có lúc đã mất giá tới gần 9% so với USD. Dù bị Mỹ cáo buộc sử dụng tiền tệ làm vũ khí khi “ngó lơ” cho NDT mất giá mạnh, song Chính phủ Trung Quốc khẳng định, không có ý định phá giá đồng bản tệ. Thực tế, thời gian gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bắt đầu ra tay can thiệp, NDT cũng đang dần ổn định trở lại.

GS. Andreas Hauskrecht cho rằng, Trung Quốc có thể sử dụng tiền tệ làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ theo 2 cách: phá giá NDT hoặc bán tháo USD (Trung Quốc đang có kho dự trữ USD lớn nhất thế giới). Tuy nhiên, cả hai biện pháp này đều chưa được Trung Quốc sử dụng. 

Theo các chuyên gia, sở dĩ hai nhân vật chính chưa châm ngòi cho cuộc chiến tiền tệ, vì vũ khí này là con dao hai lưỡi, khiến người dùng có thể đứt tay. Mặt tích cực, đây là công cụ tốt để tăng sức cạnh tranh thương mại, song mặt tiêu cực sẽ gây ra phản ứng ngược, khiến kinh tế của quốc gia đó mất ổn định vĩ mô, lạm phát tăng mạnh, nhà đầu tư mất niềm tin, rút vốn ồ ạt…  

Cho đến nay, dù không chủ động điều chỉnh, song việc USD tăng giá và NDT mất giá khiến nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối phó với tình trạng đồng nội tệ mất giá trầm trọng. Trong khu vực ASEAN, Rupiah của Indonesia và Peso của Philippines đã mất giá hơn 8% từ đầu năm đến nay, chỉ đứng sau tốc độ giảm giá của Rupee (Ấn Độ). Dù vậy, phạm vi ảnh hưởng của các đồng tiền này đến kinh tế toàn cầu là không lớn. Do vậy, mối lo về cuộc chiến tiền tệ toàn cầu là hơi sớm.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, đến thời điểm này, chiến tranh tiền tệ vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, đầu năm 2019, khi Mỹ áp thuế 25% cho danh mục hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, thay vì mức 10% hiện nay và vẫn tiếp tục để USD tăng giá mạnh, Trung Quốc không ngăn chặn đà rơi của NDT, khả năng cuộc chiến tiền tệ là không thể loại trừ.  

Thận trọng, không quá vội vàng

Hậu họa khủng khiếp của chiến tranh tiền tệ trước đây khiến các nước trở nên thận trọng hơn trong việc sử dụng vũ khí này. Từ đầu năm đến nay, nhiều nước đã chi hàng tỷ USD để cứu nội tệ khỏi mất giá.

Tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright, tác động của USD tăng giá và NDT giảm giá tới VND đang ở mức trung hòa. Do đó, nếu muốn điều chỉnh tỷ giá mạnh, Việt Nam cần cân nhắc tới các đồng tiền khác nữa.

VND đã yếu đi kể từ tháng 7 và có thể tiếp tục bị áp lực khi lãi suất của Mỹ tăng và USD mạnh lên. Nếu chiến tranh thương mại kéo dài, NDT tiếp tục mất giá, sức ép này sẽ ngày càng lớn.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB

“Việt Nam đang là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN. Nếu các nước này phá giá mạnh, thì Việt Nam mới nên xem xét chính sách tỷ giá, còn nếu thay đổi không quá lớn thì chưa phải lúc lo ngại”, TS. Thành khuyến cáo.

Theo dự đoán, từ đầu năm 2019, NDT có thể mất giá mạnh hơn khi mức thuế suất mới của Mỹ có hiệu lực (25%), đồng thời Fed có thể tăng lãi suất thêm gần 1% nữa.  

Điểm tựa lớn nhất cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong điều hành tỷ giá là kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của thị trường vững chắc, vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI - không dễ tháo chạy), dự trữ ngoại hối đang ở mức kỷ lục, cán cân tổng thể tiếp tục thặng dư… Tình trạng này dự báo sẽ tiếp tục kéo dài nhiều năm tới.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cách điều hành tỷ giá như NHNN hiện nay là hợp lý, vừa linh hoạt, vừa chống được tâm lý đầu cơ, găm giữ. Hơn nữa, chính sách lãi suất cũng đang tạo nên tấm nệm tốt để chống đỡ cú sốc tỷ giá. Dù vậy, giải pháp quan trọng nhất để đối phó với các biến động tiền tệ từ bên ngoài, là ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. 

Từ đầu năm đến nay, VND chỉ mất giá trên 1%. Các động thái của NHNN cho thấy, cơ quan này không muốn để VND mất giá đột ngột, mà muốn tạo nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định trong mắt các nhà đầu tư. “Một số đồng bản tệ trong khu vực mất giá 5-8% từ đầu năm đến nay, nhưng trước đó họ có nhiều năm ổn định. Trong khi đó, tỷ giá VND/USD mỗi năm điều chỉnh nhẹ 1-2% nên so với các nước trong khu vực, sự chênh lệch không phải là quá lớn”, một lãnh đạo của NHNN  nói.

Tin liên quan
Tin khác