Ngân hàng
Tỷ giá thế nào sau quyết định của Fed mà các chuyên gia khuyến nghị phải theo sát
T.V - 17/06/2022 10:23
Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng thêm 0,75% lãi suất cơ bản đồng đôla Mỹ, tỷ giá tiền đồng tăng nhẹ, nhưng nhanh chóng giảm trở lại dù vẫn có áp lực tăng.

Tỷ giá không biến động mạnh

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 4 đồng/USD so với phiên hôm qua xuống còn 23.089 đồng/USD. Trước đó, trong phiên ngày 16/6, tỷ giá cũng không tăng so với phiên liền trước, cho dù Fed ra quyết định tăng thêm 75 điểm cơ bản, từ khoảng 0,75 - 1% lên khoảng 1,5 - 1,75% và giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 từ 2,8% xuống 1,7%.

Ngày 17/6, các ngân hàng thương mại giữ giá USD không thay đổi, Vietcombank mua vào với giá 23.060 - 23.090 đồng/USD và bán ra 23.370 đồng/USD; Eximbank mua USD với giá 23.110 - 23.130 đồng/USD và bán ra 23.330 đồng.

Trước đó, tính đến ngày 15/6/2022, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 1,65% khi chỉ số DXY tăng tăng 9,9% so với cuối năm 2021.

Chênh lệch lãi suất VND-USD đang về mức thấp trong vòng nhiều tháng (thậm chí chênh lệch lãi suất VND-USD kỳ hạn 1 tuần đang ở mức -0,3% đến 0%) sẽ tiếp tục tạo áp lực tăng tỷ giá USD/VND trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND dự báo tăng không quá lớn do: NHNN thực hiện chính sách điều hành linh hoạt chủ động, bám sát diễn biến thị trường và can thiệp khi cần thiết.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức cao kỷ lục (khoảng 110 tỷ USD) và nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân FDI dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại 5 tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỷ USD và cả năm dự kiến vẫn thặng dư (dự báo khoảng 4-8 tỷ USD). 

Các chuyên gia kinh tế nhận định, tác động của chính sách này đến Việt Nam là không nhiều vì cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư đều đã dự báo trước động thái này.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực nhận định, việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ có một số tác động nhất định.

Thứ nhất, việc này sẽ khiến cho chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng đồng USD bị tăng lên.

Thứ hai, sẽ tác động một phần đối với tỷ giá vì USD đã đang và sẽ còn tăng giá và tỷ giá sẽ tăng nhẹ.

Thứ ba, có thể bắt đầu thêm sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư tức là khi Fed tăng lãi suất thì dòng vốn sẽ quay trở về Mỹ vì lãi suất ở đó cao hơn và một phần quay trở lại châu Âu vì mức độ rủi ro ở đó được đánh giá thấp.

Tuy nhiên, ông Lực nhận định, khả năng dịch chuyển vốn không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn. Nhưng bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá tại Việt Nam.

Theo TS Lực, tỷ giá năm nay sẽ gặp nhiều áp lực hơn năm ngoái, song vẫn sẽ ở trạng thái tương đối ổn định. Dự kiến, tỷ giá năm nay chỉ tăng 0,5 - 1% so với năm ngoái do quan hệ cung - cầu ngoại tệ tương đối tốt.

Một chuyên gia tài chính khác cũng nhận định, so với mức tăng 0,25% của những lần trước, việc Fed tăng 0,75% có thể tác động rõ nét hơn, nhưng vẫn không phải quá lớn đến Việt Nam. Vì vay ngoại tệ của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp FDI. 

Mặc dù đánh giá lần tăng lãi suất này của Fed không đáng lo ngại, song giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải theo sát động thái của Fed từ nay đến cuối năm.

Trường hợp, nếu Fed tăng lãi suất nhiều lần với cường độ mạnh, thì chắc chắn tỷ giá trong nước sẽ khó tránh khỏi tác động tâm lý.

Nhưng khó tránh tránh áp lực tăng

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 2-2,3%. Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND, tạo sức ép lớn hơn lên tỷ giá USD/VND. 

Báo cáo cập nhật vĩ mô mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết, áp lực điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn, tiền đồng dự báo mất giá khoảng 2-2,5% trong năm 2022. 

Mặc dù vậy, VDSC nhận định, tiền đồng sẽ không bị mất giá quá mạnh như các đồng tiền khác dựa trên một số cơ sở.

USD đang neo ở mức cao kỷ lục, nhóm phân tích kỳ vọng về lộ trình tăng lãi suất của Fed đã phản ánh phần nhiều vào đợt tăng từ đầu năm đến nay, chỉ số USD sẽ khó giảm mạnh, nhưng cũng khó tăng cao hơn từ vùng hiện tại.

Áp lực mất giá của đồng nhân dân tệ sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và định hướng điều hành tỷ giá linh hoạt tiếp tục được khẳng định trong cuộc họp mới nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi tín hiệu sẵn sàng ứng phó với áp lực lớn hơn nữa từ những biến động bên ngoài trong thời gian tới. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại khoảng hơn 100 tỷ USD, tương đương 3,1 tháng nhập khẩu.

Theo VDSC, diễn biến cán cân thương mại và cung - cầu USD trong nước có thể tạo áp lực lên tỷ giá trong một số thời điểm, tuy nhiên, NHNN vẫn có khả năng can thiệp để cân bằng lại khi cần thiết.

Số liệu của Tổng cục Hải Quan cho thấy, cán cân thương mại thâm hụt khoảng 1,7 tỷ USD trong tháng 5, và lũy kế 5 tháng thì thặng dư thương mại đạt 632 triệu USD.

Về cơ bản, nhóm phân tích VDSC cho rằng, cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2022 sẽ đối diện với nhiều làn gió “ngược”, bao gồm tình hình giá nguyên liệu và nhập khẩu xăng dầu tăng cao, là yếu tố không khả quan đối với cán cân thương mại.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp giải ngân dù tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng đồng thời áp lực chuyển lợi nhuận về nước của doanh nghiệp FDI khi lãi suất tăng ở các nền kinh tế phát triển và xu hướng rút ròng vốn đầu tư gián tiếp khiến mất cân đối cung -cầu USD.

Từ những cơ sở này, VDSC kỳ vọng tiền đồng chỉ mất giá khoảng 2-2,5% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm % so với kỳ vọng đưa ra đầu năm nay. 

Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng dự báo biến động của tỷ giá trong thời gian sắp tới sẽ không quá lớn, cả năm dao động quanh mức trên dưới 2%.

Trong khi đó, HSBC đánh giá, Ngân hàng Nhà nước cũng theo kịp tiến độ bình thường hóa chính sách tiền tệ. Nhờ xuất khẩu ấn tượng và tiêu dùng cá nhân phục hồi, Việt Nam chắc chắn lấy lại mức tăng trưởng như trước đại dịch.

Trong khi lạm phát hiện tại vẫn ở dưới mục tiêu 4% của Ngân hàng Nhà nước, HSBC dự báo tình trạng giá năng lượng cao còn kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả nói chung lên, nhiều khả năng sẽ có lúc vượt qua trần 4% của Ngân hàng Nhà nước trong nửa sau của năm 2022, nhưng chỉ là tạm thời.

Và tình hình đó có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2022 trước khi tăng lãi suất ba lần mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023.

Tin liên quan
Tin khác