Bất chấp sự "ổn định" của giá vàng quốc tế, cả giá vàng SJC và tỷ giá đều tăng mạnh trong phiên giao dịch 11/1. |
Giá vàng quốc tế nhích nhẹ trong phiên giao dịch ngày hôm nay trước sự suy yếu của USD cũng như trong bối cảnh giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo lạm phát tại Mỹ để có thêm thông tin dự đoán về quyết định điều hành chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay tăng 0,25% lên 2.032,03 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York tăng 0,21% lên 2.037,2 USD/ounce. Theo kết quả thăm dò của các nhà kinh tế tại Reuters, lạm phát hàng năm dự kiến ở mức 3,2% trong tháng 12, tuy nhiên, lạm phát lõi có thể sẽ giảm xuống 3,8% - mức thấp nhất kể từ giữa năm 2021.
"Số liệu về lạm phát đang sắp được công bố đã khiến những nhà đầu tư đang đặt vị thế bán (short) phải thận trọng hơn và giảm tỷ trọng trong danh mục đầu tư", ông Matt Simpson, chuyên gia phân tích cấp cao tại City Index cho biết.
Hiện tại, các nhà giao dịch đang đặt kỳ vọng nhiều nhất vào khả năng Fed sẽ cắt giảm 140 điểm cơ bản lãi suất trong năm nay, với 69% khả năng sẽ được thực hiện ngay từ tháng 3.
Ông Simpson tin rằng khả năng Fed cắt giảm lãi suất vẫn sẽ xảy ra, nhưng mức giảm 140 điểm có thể đang quá lạc quan bởi tỷ lệ lạm phát lõi vẫn đang cao gấp đôi so với mục tiêu mà cơ quan quản lý đề ra.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York John Williams cũng cho rằng, còn quá sớm để kêu gọi cắt giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát còn cách rất xa so với mục tiêu 2%.
Theo ông Williams, triển vọng kinh tế vẫn “rất không chắc chắn” và cho biết các quyết định về chính sách tiền tệ sẽ được đưa ra trong từng cuộc họp, dựa trên số liệu kinh tế nhận được, triển vọng đang phát triển và sự cân bằng rủi ro. Ngoài ra, vị quan chức Fed còn dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống còn 2,25% trong năm nay và 2% vào năm 2025. Đà hồi phục của vàng còn được củng cố từ sự suy yếu của đồng USD trong phiên giảm thứ 3 liên tiếp.
Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã giảm 0,02% xuống 102,34 điểm. Kết thúc năm 2023, chỉ số đồng USD đã giảm 3,4%, mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 2020.
Tuy nhiên, USD đã đồng hành cùng lợi suất trái phiếu kho bạc, trong đó lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm đã tăng 4% sau hai tuần. Điều này phần nào là động lực để chỉ số USD đạt đỉnh ở 102,61 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay, ngày 11/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.948 VND/USD, tăng 20 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.751 - 25.145 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.265 VND/USD (mua vào) và 24.635 VND/USD (bán ra), tăng 95 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên trước.
Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng niêm yết ở mức 72,8 - 75,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên trước.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại được điều chỉnh tăng lên 61,95 triệu đồng/lượng mua vào, 63,05 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 50.000 đồng/lượng so với phiên trước. Đây là ngày tăng giá thứ 2 liên tiếp của loại vàng này.
Chênh lệch giữa chiều mua và bán đã được rút gọn xuống 2,5 triệu đồng/lượng, tuy nhiên vẫn là mức khá cao. Điều này cho thấy tâm lý e ngại rủi ro khi mua vào của các thương hiệu trước sự thay đổi của thị trường.
Chênh lệch giá vàng miếng SJC và vàng thế giới hiện đang ở mức hơn 14 triệu đồng/lượng.